Vụ ông Đinh La Thăng: bồi thường hơn 820 tỉ, mới thu hồi 20 tỉ
Ông Đinh La Thăng không được giảm án | |
Nói lời sau cùng, ông Đinh La Thăng vẫn khẳng định không có tội |
Theo Bộ Tư pháp, giá trị tài sản kê biên trong vụ án Đinh La Thăng không đủ để thi hành án - Ảnh: Vũ Tuấn |
Đây là con số chính thức Bộ Tư pháp công bố với báo chí trong buổi họp báo chiều 29-10 tại Hà Nội.
Cụ thể, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp thông tin rằng trong vụ án ông Đinh La Thăng, tiền án phí ông Thăng và các cá nhân khác phải nộp là hơn 1,43 tỉ đồng, còn số tiền bồi thường cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là trên 820 tỉ đồng.
Đến nay, cơ quan thi hành án dân sự mới thu được 521 triệu đồng tiền án phí và 20 tỉ đồng tiền bồi thường, đồng nghĩa với số tiền phải tiếp tục thu hồi còn hơn 800 tỉ tiền bồi thường và 912 triệu đồng tiền án phí.
Các cơ quan chức năng đã kê biên 17.567 cổ phiếu và một số tài sản, tang vật khác. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, giá trị số tài sản đã kê biên không đủ số tiền phải thi hành án.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiếp tục truy tìm các tài sản khác, xác minh điều kiện có thể thi hành.
Các đại án tham nhũng khác việc thu hồi cũng rất khó khăn. Cụ thể, vụ Hà Văn Thắm, tiền án phí và truy nộp sung công quỹ nhà nước là 71,6 tỉ đồng, trả cho OceanBank và các cá nhân khác 84,1 tỉ đồng; buộc các ông, bà Hứa Thị Phấn, Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn… phải bồi thường cho OceanBank 1.486,7 tỉ đồng.
Trong vụ án này, đến nay đã thu được tiền án phí, truy nộp công quỹ nhà nước 594 triệu đồng, trả lại cho OceanBank và các cá nhân khác 84,1 tỉ đồng, các cơ quan đã kê biên 5 bất động sản và nhiều cổ phiếu.
Người phát ngôn Bộ Tư pháp thông tin từ đầu năm đến nay, bộ này đã kiểm tra 1.074 văn bản của các bộ, ngành, địa phương, bước đầu phát hiện 32 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền và đã đề xuất phương án xử lý.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xử lý các sai sót trong soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, kết quả công tác kiểm tra và tự kiểm tra năm 2017, cả nước đã kiểm tra hơn 40.000 văn bản, phát hiện 5.639 văn bản có sai sót các loại.
Trong số các văn bản phát hiện sai phạm này, có 1.236 văn bản sai về thẩm quyền và nội dung, và "có tác động tiêu cực, thậm chí gây hậu quả về kinh tế, xã hội".
Bộ đã kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo xử lý triệt để các văn bản trái quy định của pháp luật. Trong đó có việc xử lý nội dung văn bản, khắc phục hậu quả và xử lý trách nhiệm.