'Vụ Nhật Cường ở Hà Nội có lợi ích nhóm hay đụng đến sân sau không?'
Phiên thảo luận tổ tại đoàn ĐBQH TP Hà Nội sáng 22-5 - Ảnh: B.D.
"Nhật Cường có là sân sau của ai không?"
Đề cập đến chuyện cải cách hành chính, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng đến nay những cái mà xã hội, doanh nghiệp cần từ cải cách hành chính đều chưa được giải quyết rốt ráo, trong khi lâu nay Chính phủ hô hào rất nhiều.
Bà Khánh lấy ví dụ thủ đô Hà Nội đang dốc vốn đầu tư trang thiết bị máy móc, thực hiện cải cách hành chính liên thông nhưng hiện tại vẫn ách tắc, chuyển biến quá chậm và không thực chất. Lý do là chưa có sự liên thông từ Hà Nội tới trung ương và tới các tỉnh, thành khác.
"Khi Hà Nội xây dựng chủ trương thực hiện thủ tục hành chính công qua mạng, người dân rất mừng. Bởi từ nay chỉ cần ngồi ở nhà sử dụng điện thoại vẫn có thể thực hiện được dịch vụ hành chính thông thường. Tuy nhiên, kỳ vọng vậy nhưng mọi thứ tới nay vẫn tắc bởi chúng ta chưa có sự liên thông", bà Khánh nói.
Trong lúc đó lại xảy ra vụ việc của Nhật Cường - đơn vị cung cấp trang thiết bị phần mềm cho dự án hành chính công Hà Nội, khiến dư luận, người dân hoang mang và tới giờ ngay cả đại biểu Quốc hội cũng không có thông tin.
"Có sân sau trong vụ của Nhật Cường hay không?" - đại biểu Trần Thị Quốc Khánh hỏi sáng 22-5 - Ảnh: B.D
"Không biết vụ việc của Nhật Cường có ảnh hưởng gì không? Rõ ràng là người dân cũng đang rất hoang mang", nữ đại biểu Hà Nội cho rằng chính quyền cần làm rõ, bước đầu phải công bố thông tin chung.
"Đứng đằng sau vụ việc của Nhật Cường có lợi ích nhóm hay không? Hay là doanh nghiệp này tham gia đầu tư vào lĩnh vực hành chính công rồi đụng đến ai đó nên người ta dằn mặt nhau? Bây giờ đại biểu Quốc hội còn chưa biết được nữa thì dân làm sao biết?".
"Phụ nữ đi thang máy nên mang theo… kim, công cụ hỗ trợ"
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng lưu ý những vụ việc quấy rối tình dục, xâm hại trẻ em đang "được mùa" trong năm qua, gây nên nỗi ghê sợ, ghê tởm cho dư luận.
"Tôi đề nghị làm rõ vụ việc áp dụng mức phạt 200.000 đồng đối với hành vi sàm sỡ một phụ nữ trong thang máy. Việc này đáng lẽ các cơ quan tư pháp phải lên tiếng ngay. Nhưng rồi phạt 200.000 đồng thì dư luận càng hoang mang.
Thậm chí nhiều người còn nói bây giờ xử phạt như thế thì phụ nữ, trẻ em đi thang máy cũng phải mang theo vũ khí thô sơ như là kim, vũ khí… để phòng vệ", nữ đại biểu bức xúc.
Trưởng đoàn ĐBQH, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải - Ảnh: B.D.
Theo bà Khánh, hiện pháp luật đã có quy định đầy đủ liên quan đến các hành vi xâm hại, dâm ô, sàm sỡ phụ nữ và trẻ em, nhưng cán bộ, đơn vị thực thi luật lại không nghiêm minh.
"Tôi đề nghị làm rõ những ai đã thực thi những vụ việc này không nghiêm minh, phải xử lý nghiêm những cán bộ thực thi như thế rồi dẫn đến việc tạo ra trò cười cho thiên hạ. Ngay cả đại biểu Quốc hội còn thấy hoang mang, còn người dân thì làm sao đủ niềm tin?", bà Khánh tỏ thái độ.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cùng đoàn cũng đặt vấn đề tương tự, ông cho rằng các vụ xâm hại tình dục trẻ em, phụ nữ đang tạo ra một nỗi hoang mang rất lớn.
"Suy cho cùng thì cái mà con người hướng đến là sự an toàn, lành mạnh nhưng những vụ việc như vừa qua thì rất gây hoang mang", ông Hiểu nói.
Kinh tế tư nhân hãy thôi khai thác bất động sản, tài nguyên
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ sự lạc quan về bức tranh kinh tế những tháng đầu năm. Theo ông Cường, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1-2019 là 6,79% là một con số rất ấn tượng, nổi bật trong vòng 10 năm trở lại đây.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 22-5 - Ảnh: B.D
Ông Cường lưu ý rằng các tập đoàn kinh tế tư nhân cần phải liên kết để hỗ trợ các lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng.
"Chúng ta đang ủng hộ mạnh mẽ kinh tế tư nhân, đây là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của nước ta chủ yếu đang dựa vào khai thác lợi thế như tài nguyên, khoáng sản, bất động sản để phát triển. Việc khai thác tạo ra giá trị mang tính toàn cầu chưa được mấy chú ý", ông Cường nhận định.