Vụ lừa đảo tiền ảo hơn 15 nghìn tỷ đồng: Vì sao lại quá dễ dàng?
Vụ lừa đảo bằng tiền ảo 15 nghìn tỷ đồng: 32 nghìn người đã ‘sập bẫy’ như thế nào? | |
TP. HCM: Dân treo băng rôn tố đường dây 'lừa đảo bằng tiền ảo hơn 15 nghìn tỷ đồng' |
Biểu tình tố cáo chiếm đoạt lừa đảo "hơn 15 nghìn tỷ đồng" từ tiền ảo tại TP. HCM vào ngày 8/4
Sáng hôm qua (8/4), rất đông người dân đã kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech để biểu tình kèm theo băng rôn, khẩu ngữ và hình ảnh nhằm tố cáo bị công ty chiếm đoạt lừa đảo "hơn 15 nghìn tỷ đồng" từ tiền ảo. Nhóm biểu tình khẩn cầu các cơ quan chức năng vào cuộc chỉ đạo điều tra vụ việc mà theo họ là "vụ lừa đảo đa cấp lớn nhất lịch sử Việt Nam".
Đây cũng là diễn biến mới nhất của vụ 'lừa đảo tiền ảo hơn 15 nghìn tỷ đồng' được ghi nhận trong thời gian qua. Theo lời tố cáo từ người dân, Modern Tech, Ifan, Pincoin là dự án huy động vốn được sáng lập bởi 7 người mang quốc tịch Việt Nam, nhưng lại "mang danh" nước ngoài (Singapore đối với Ifan và Ấn Độ đối với Pincoin), và đã lừa đảo rất nhiều tiền từ các nhà đầu tư đa số là người Việt Nam.
Theo lời chia sẻ của những người trong cuộc, Ifan, Pincoin ủy quyền cho công ty Modern Tech làm đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Đơn vị này trong thời gian qua đã tổ chức nhiều sự kiện tại Hà Nội và TP. HCM để huy động vốn, kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo Ifan kèm theo lời cam kết sẽ chia sẻ lợi nhuận 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu "lôi kéo" thêm nhà đầu tư vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền từ người mới tham gia.
Sau khi thu được số tiền lớn từ nhà đầu tư, Ifan bất ngờ tuyên bố thay đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi sang các đồng tiền ảo Ifan có "giá quy định" là 5 USD/đồng. Thế nhưng từ thời điểm cách đây ít lâu, giá trị của đồng tiền này giảm xuống chỉ còn 0,01 USD/đồng, khiến nhiều nhà đầu tư cho biết chỉ "thu về "một đống coin rác" với giá trị cực thấp, hay thậm chí không lấy lại được tiền".
Tại sao lại có thể tổ chức lừa đảo dựa trên ICO một cách dễ dàng như vậy?
ICO (viết tắt của “Initial Coin Offering”) về cơ bản là một phương tiện không được kiểm soát bằng cách huy động vốn cho một liên doanh đồng tiền ảo mới. Trong đợt mở bán ICO, nhà đầu tư sẽ dùng tiền của mình để mua các xu tiền ảo tương tự như mua cổ phiếu của một công ty được bán cho các nhà đầu tư trong giao dịch đấu thầu công khai lần đầu (IPO). Lúc này giá bán ICO rất rẻ.
Sau đó, các xu tiền ảo sẽ được quy đổi tùy vào số tiền nhà đầu tư bỏ ra mua. Đa số những người tham gia thì đều hy vọng mình đã mua với giá tốt nhất và chờ đợi để bán với mức x5, thậm chí x10. Tuy nhiên khi nhà đầu tư đã rót hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng vào những hình thức như thế này, thì sau đó kết quả không phải lúc nào cũng như mong đợi.
Theo tìm hiểu của PV, chiến dịch thu hút nhà đầu tư cho các hoạt động ICO của Ifan từ lâu cũng đã được những người "đầu sỏ" thực hiện rất công phu và bài bản, gắn với hình ảnh của người nổi tiếng, được giới thiệu như "người đại diện" cho dự án, như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, Lệ Quyên, Sơn Tùng M-TP,...
Tuy nhiên, sự việc này cuối cùng bị "lật tẩy" là mạo danh để chiếm lòng tin của nhà đầu tư. Đích thân ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từng cho biết trong một thông báo trên fanpage rằng anh bị nhóm coin đa cấp MLM (hay iFan) mượn danh để quảng cáo, thu hút người vào hệ thống.
Đàm Vĩnh Hưng đăng tải trên Facebook cá nhân xác nhận thông tin mình tham gia ICO iFan là hoàn toàn sai sự thật. Ảnh: Facebook Đàm Vĩnh Hưng.
Ghi nhận sơ bộ cho thấy đây là hoạt động lừa đảo có mô hình đa cấp, lợi dụng sơ hở của luật pháp Việt Nam trong quản lý tiền ảo để phát hành ICO (giống như IPO đối với loại hình cổ phiếu) và tránh sự giám sát từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, thống kê cho thấy Ifan đã dụ dỗ hơn 32 nghìn nạn nhân cùng tham gia và huy động được hơn 15 nghìn tỷ đồng tiền vốn. Tuy nhiên, tất cả các chủ đầu tư sau đó cho biết không nhận được lợi nhuận thực tế nào. Hàng ngàn người lâm vào cảnh "nhà tan cửa nát" sau khi đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng vào dự án.
Từ cách đây khoảng 3 tháng, trên các trang mạng lớn như Facebook, bắt đầu xuất hiện các nhóm như Lion Group - iFan - Pincoin (hội lừa đảo); chiến dịch đưa Lion - iFan - Pincoin đền tội trước công lý, Tiêu Diệt iFan... với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tham gia nhằm để "tố giác" hoạt động lừa đảo, "gom tiền" từ các nhà đầu tư và sau đó "bặt vô âm tín".
Trong một bài viết được đăng tải trên fanpage có tên "Tiêu diệt Tuấn cam", nhóm này cho biết đã thu thập được hơn 300 đơn từ khắp nơi gửi về, những đơn này được tập hợp và gửi về tòa soạn các báo, và đến nay đã có kết quả.
Hàng trăm, hàng ngàn người tham gia các hội nhóm trên Facebook để tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Ifan.
Trước iFan, Pincoin,... giới đầu tư từng chứng kiến sự sụp đổ của Bitconnect - được biết tới như vụ lừa đảo lớn nhất trong thị trường tiền ảo khiến hàng trăm ngàn chủ tài khoản "mất trắng", trong đó có nhiều nạn nhân là người Việt Nam. Bitconnect bị Ủy ban chứng khoán Mỹ điều tra và phát hiện thấy tổ chức này đã phạm tội gian lận trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các chương trình cho vay và lấy lãi.
Vụ việc hàng ngàn nhà đầu tư bị chiếm đoạt tài sản bởi Ifan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng trước những mô hình mạo danh là góp vốn, chia sẻ lợi nhuận, nhưng trên thực tế là lợi dụng sơ hở của pháp luật Việt Nam để trục lợi.
Từ ngày 1/1/2018, việc hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư tin vào việc có thể khởi kiện iFan, Pincoin và những công ty liên quan ra trước pháp luật. Tuy nhiên, với một số tiền bị đánh cắp lớn như vậy, thì khả năng bồi thường lại cho những "nạn nhân" là rất thấp.