Vụ lừa đảo bằng tiền ảo 15 nghìn tỷ đồng: 32 nghìn người đã ‘sập bẫy’ như thế nào?
TP. HCM: Dân treo băng rôn tố đường dây 'lừa đảo bằng tiền ảo hơn 15 nghìn tỷ đồng' |
Ifan cam kết khi tham gia quỹ tiền ảo, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. |
“Miếng mồi” định cư ở Mỹ
Gửi đơn thư “cầu cứu” đến các cơ quan chức năng và báo chí, bà T., một trong hơn 32 nghìn người tham gia cho biết, Công ty Cổ phần Modern Tech có địa chỉ tại lầu 9, tòa nhà Vietcomreal, đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, đại diện pháp luật là ông Hồ Xuân Văn, chức vụ Giám đốc.
Modern Tech được thành lập trên cơ sở là công ty được ủy quyền bởi Ifan và Pincoin.Trong đó, đội ngũ Ifan được thành lập bởi 7 người Việt Nam. Tuy nhiên, đi bất cứ đâu họ đều giới thiệu tập đoàn Ifan đến từ Singapore, Pincoin đến từ Ấn Độ với 2 mục đích là tạo uy tín với các nhà đầu tư và qua mặt cơ quan chức năng. Modern Tech đứng ra tổ chức các sự kiện tại TP. HCM và Hà Nội để huy động vốn từ nhà đầu tư.
Người đứng ra chỉ đạo kêu gọi huy động vốn là ông Lê Ngọc Tuấn, sinh năm 1983, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc đào tạo và phát triển Marketing quốc tế của Ifan. Ông T. kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo Ifan (giống như một loại cổ phiếu có giá trị, nhưng thay vì phát hành cổ phiếu, Modern Tech lại phát hành ra đồng tiền số Ifan để huy động vốn nhằm tránh việc kiểm tra từ Ủy ban chứng khoán nhà nước). Ifan huy động vốn bằng việc tổ chức các hội thảo quy mô lớn với hàng nghìn người tham gia.
“Do nghe bạn bè kể về tổ chức Ifan và lợi nhuận siêu khủng của nó nên tìm đến các hội nghị nghe diễn thuyết. Ngày 29/9/2017, ông Diệp Khắc Cường (Người sáng lập Ifan), Vũ Hữu Lợi (đồng sáng lập, kiêm giám đốc phát triển quốc tế Ifan) và đội ngũ sáng lập Ifan tổ chức một sự kiện tại thành phố Vũng Tàu để ra mắt đồng tiền điện tử Ifan, mở bán presale huy động vốn với giá khởi điểm 1USD/một đồng Ifan và nói sẽ làm App nghệ sĩ để thanh toán các Album ca nhạc của Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên.
Đồng thời, sẽ mở rạp chiếu phim tại Hà Nội và TP.HCM, liên kết với Chính phủ để mọi người được mua nhà bên Mỹ và nhập quốc tịch Mỹ, dùng Ifan để thanh toán tiền điện nước tại Việt Nam, sẽ có thẻ Visa tiền điện tử cho mọi người”- bà T. kể.
Đơn tố cáo của một người dân về vụ lừa đảo 15 nghìn tỷ đồng bằng tiền ảo |
Nửa năm, hút 32 nghìn người
Tiếp đó, ngày 15/11/2017, Vũ Hữu Lợi (đồng sáng lập kiêm giám đốc phát triển quốc tế của Ifan) và đội ngũ Ifan mở bán ICO của Ifan tại trung tâm hội nghị Adora Grand View tại TP.HCM với giá khởi điểm 1,6 USD/đồng Ifan. Lợi cam kết sẽ làm App Học viên tiền điện tử và xây dựng Học viện tiền điện tử đầu tiên tại Việt Nam, liên kết cho khách hàng mua vé máy bay giá rẻ, mua nhà và định cư tại Châu Âu.
Ngày 5/12/2017, tại sự kiện tổ chức ở Trung tâm Hội nghị Quốc Gia Hà Nội, giới chủ Ifan hứa hẹn với nhà đầu tư sẽ trả mức lãi suất đầu tư ít nhất 48%/tháng và thời gian hoàn vốn lâu nhất là 4 tháng.
Theo bà T., lúc này giá trị đồng Ifan bán ra giá từ 1,6 - 2,6 USD. Ifan phát hành 21 triệu đồng coin. Ước tính tổng số tiền huy động trên 30 triệu USD (720 tỷ VND).
Để dụ dỗ "con mồi", Ifan ngoài cam kết lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng còn khẳng định nếu gọi thêm được người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Mô hình kinh doanh “đa cấp” theo kiểu kim tự tháp.
“Mặc dầu, hứa hẹn chi trả phần trăm nhưng sau khi thu được số tiền lớn Ifan tuyên bố quy đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số. Ifan quy định giá công bố 5USD trên một đồng tiền số. Tuy nhiên giá thực tế của đồng tiền số này trên thị trường chỉ là 0,01 USD/một đồng”, bà cho biết.
Bằng kịch bản trên, Ifan dỗ hơn 32 nghìn nạn nhân khác cùng tham gia và huy động được hơn 15 ngàn tỷ đồng tiền vốn. Điều đáng nói, tất cả các chủ đầu tư sau đó không hề được nhận bất cứ lợi nhuận thực tế nào. Hàng ngàn người vì đó lâm vào cảnh tán gia bại sản khi đầu tư hàng tỷ đồng vào Ifan.