Vụ Huawei đẩy Mỹ và Trung Quốc ra xa nhau hơn bạn tưởng
Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ chia rẽ sâu sắc hơn sau vụ bắt giữ nữ giám đốc tài chính Huawei - Ảnh: REUTERS |
Khởi điểm từ các cuộc tranh chấp thương mại và mở rộng thành cuộc cạnh tranh nắm giữ công nghệ tương lai, cuộc đối đầu Mỹ - Trung có thể biến thành một cuộc chiến ngấm ngầm nguy cơ ảnh hưởng trực diện tới người dân của từng nước.
Trước mắt, chuyện đi lại giữa công dân hai bên đã bắt đầu khó khăn. Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ đang cân nhắc việc cảnh báo người dân về việc đến Trung Quốc.
Ngược lại, biên tập viên của một tờ báo Trung Quốc từng viết trên Twitter của mình, ngay sau vụ bắt giữ bà Mạnh rằng: "Nay các giám đốc Mỹ và Canada có thể phải lo sợ một chút khi tới Trung Quốc, và các giám đốc Trung Quốc càng phải sợ hơn khi đến Mỹ và Canada".
Bình diện ít được quan tâm
Thực tế, khía cạnh về con người luôn là bình diện ít được để ý đến trong suốt 40 năm cải cách của Trung Quốc. Vai trò của người nước ngoài thường không được công nhận trong việc quốc gia này tái xây dựng nền kinh tế và sự thịnh vượng.
Trong nhiều thập kỷ kể từ khi Trung Quốc mở cửa, người dân của họ và Mỹ đã có cơ hội để bỏ qua hầu hết các khác biệt trong hệ thống chính trị, để tìm thấy sự đồng tình chung mà chính phủ của họ hiếm khi đạt được.
Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng hiện cả hai bên có nguy cơ sẽ đánh mất cả cánh cửa này.
Chính quyền Trump đã bắt đầu giới hạn thị thực cho một số sinh viên Trung Quốc. Washington lo lắng những người này có thể trộm công nghệ của Mỹ. Ông Trump có vẻ như đang cân nhắc một lệnh cấm toàn diện.
Ngoài ra, bên cạnh các mức áp thuế thương mại, Mỹ còn đặt ra nhiều kiểm soát nghiêm ngặt đối với đầu tư nước ngoài. Một động thái được Bloomberg đánh giá nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ quan trọng của Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc cũng không hề cổ vũ người dân của họ đến Mỹ. Đại sứ quán tại Mỹ của nước này đã cảnh báo người dân có ý định tới Mỹ trong năm nay về hàng loạt vụ xả súng và dịch vụ y tế đắt đỏ.
Trong khi Bắc Kinh cho biết họ muốn thu hút tài năng từ các nước khác đến với khu vục công nghệ của mình, thực tế là họ đang "dọa" người ngoại quốc chạy mất.
Năm 2019, chính phủ nước này sẽ tăng gánh nặng thuế của một số người nước ngoài, "đuổi" họ đi bằng không khí ô nhiễm, giá cả leo thang và thậm chí những nơi ở kém hấp dẫn.
Rã tiệc
Những chính sách như trên từ hai phía của Thái Bình Dương đang dần tách hai nền kinh tế này ra khỏi nhau, dù cả hai vốn dĩ đã gắn bó từ chuỗi cung ứng, thương mại đến vốn đầu tư.
Trong khi ông Trump chỉ trích các doanh nghiệp Mỹ đầu tư sản xuất tại Trung Quốc thay vì tạo thêm việc làm ở quê nhà, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bắt đầu giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nội địa.
Sự chia tách giữa người dân cả hai nước này sẽ là bước tiếp theo. Hiện, họ đã tách biệt nhau về phương diện công nghệ số.
Trung Quốc đã cấm hàng loạt dịch vụ Internet quan trọng, cũng như các mạng xã hội lớn của Mỹ như Facebook, YouTube và Instagram. Điều này đã "khóa chặt" người Trung Quốc trong thế giới mạng riêng của họ với WeChat, Weibo và Baidu.
Sự chia rẽ về kinh tế và chính trị đã là quá đủ đối với quan hệ Mỹ - Trung. Ngăn cấm cả sự trao đổi giữa công dân hai bên còn được cho là đáng lo lắng hơn.
Nếu các giám đốc, sinh viên, học sinh và du khách dần sợ hoặc bị cấm đi lại giữa hai nước, việc duy trì quan hệ hòa bình sẽ trở nên khó khăn hơn.
Vụ bắt giữ nữ giám đốc Huawei diễn ra cùng ngày với bữa tối "làm hòa" giữa ông Trump và ông Tập. Tuy nhiên, trong một tín hiệu tích cực, Bắc Kinh đã cam kết theo đuổi tiến trình đàm phán thương mại bằng bất cứ giá nào.
Có vẻ như ông Tập sẵn sàng nhân nhượng trong các chính sách công nghiệp nhà nước của mình. Điều này vốn là lo ngại chính của Nhà Trắng về việc Bắc Kinh có thể cân nhắc dựng nên một thành trì bất khả xâm phạm.
Bloomberg cho rằng ông Trump trước đó đưa ra tín hiệu rằng ông sẽ can thiệp bằng việc bắt giữa bà Mạnh, nhằm đẩy nhanh tiến trình đạt đến một thỏa thuận thương mại.