|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Vụ đất vàng 8-12 Lê Duẩn: Kim khí TP HCM (HMC) phải nộp lại 50 tỉ đồng

11:10 | 03/10/2020
Chia sẻ
HMC tham gia đầu tư dự án tại đất vàng số 8 - 12 Lê Duẩn vào năm 2010 và sau đó cùng với ba công ty còn lại trực thuộc Bộ Công Thương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư Lavennue, chủ đầu tư dự án.
Vụ đất vàng 8-12 Lê Duẩn: Kim khí TP HCM (HMC) phải nộp lại 50 tỉ đồng - Ảnh 1.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại đất vàng 8 -12 Lê Duẩn, Kim khí TP HCM (HMC) phải nộp lại 50 tỉ đồng thu được từ việc chuyển nhượng cổ phần, để tịch thu sung ngân sách Nhà nước.

Theo thông tin công bố, ngày 1/10/2020, CTCP Kim khí TP HCM (Vnsteel, mã: HMC) vừa nhận được Bản án số 420/2020/HS-ST ngày 20/9/2020 của Tòa án Nhân dân TP HCM liên quan đến vụ án xảy ra tại khu đất vàng số 8 - 12 Lê Duẩn.

Theo bản án, HMC phải nộp lại số tiền 50 tỉ đồng thu được từ việc chuyển nhượng cổ phần, để tịch thu sung ngân sách Nhà nước. Đồng thời, công ty được quyền liên hệ cơ quan thuế để hạch toán lại số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp 12,5 tỉ đồng.

Tại dự án đất vàng số 8-12 Lê Duẩn, HMC có vai trò tham gia đầu tư vào năm 2010 và sau đó công ty đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư Lavennue, chủ đầu tư dự án.

Cụ thể, vào năm 2007, UBND TP HCM có chủ trương sử dụng khu đất 8-12 Lê Duẩn để xây dựng khách sạn 5 sao, trong đó có một phần là trung tâm thương mại.

Trong thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án, UBND thành phố giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM thu hồi và quản lí mặt bằng.

Đồng thời, UBND thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư nhưng không áp dụng hình thức liên doanh.

Theo đề nghị của Bộ Công Thương và sau nhiều lần thay đổi chủ trương, tháng 10/2010, UBND TP HCM đồng ý phương án thành lập CTCP để thực hiện dự án trên, sau này là CTCP Đầu tư Lavenue.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM sở hữu 50% vốn và 4 đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương bao gồm Công ty Thiết bị phụ tùng Miền Nam (nay là CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn - Mã: SMA), Công ty Kim khí Miền Nam (nay là CTCP Kim khí TP HCM, Mã: HMC), Công ty Hóa chất Vật liệu điện Miền Nam (nay là Công ty Hóa chất Vật liệu điện TP HCM) và CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco (Mã: VTO) mỗi đơn vị góp 12,5% vốn.

Ngày 20/8/2010, 4 công ty trực thuộc Bộ Công Thương đã kí thỏa thuận nguyên tắc với Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô, nay là Công ty TNHH Đầu tư KIDO, thành viên của CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC), cam kết chuyển nhượng quyền sở hữu toàn bộ vốn góp của mình trong CTCP theo giá trị tự thỏa thuận.

Ngày 15/9/2010, 4 công ty trực thuộc Bộ Công Thương đã kí hợp đồng vay vốn của Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô với khoản vay của mỗi đơn vị có giá trị 12,5 tỉ đồng để góp đủ số vốn thành lập CTCP Đầu tư Lavenue.

Sau khi CTCP Đầu tư Lavenue được thành lập vào ngày 10/9/2010, 4 công ty trực thuộc Bộ Công Thương kí hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (hiện nay là KIDO) với giá chuyển nhượng 50.000 đồng/cp.

Kết quả điều tra tại Văn bản số 2490/BCA-A61 ngày 4/11/2015 của Bộ Công an đối với việc sử dụng số tiền chênh lệch khi 4 công ty trực thuộc Bộ Công Thương chuyển nhượng quyền đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô cho thấy, "sau khi mỗi công ty nhận được lợi nhuận 50 tỉ đồng, 4 công ty đều có kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 25% cho Nhà nước và đưa sổ sách doanh nghiệp.

Đối với số tiền còn lại, 4 công ty sử dụng chia cổ tức, đầu tư dự án thủy điện hoặc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới".

Tại Kết luận Thanh tra Chính phủ ngày 4/5/2018, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của 4 công ty trực thuộc Bộ Công Thương trong việc chuyển nhượng quyền đầu tư dự án không đúng qui định của pháp luật và yêu cầu 4 công ty hoàn trả lại số tiền 200 tỉ đồng cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô.

Theo kết luận của Hội đồng xét xử tại phiên tòa sáng ngày 20/9 vừa qua, Hội đồng xét xử cho rằng cần thu hồi số tiền bán cổ phần 200 tỉ đồng mà 4 công ty thuộc Bộ Công thương đã bán 50% vốn góp cho KIDO.

Nguyên Ngọc