|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vụ Công ty Nhật Cường: Kiến nghị điều tra 2 tiệm vàng ở phố Hà Trung, Hàng Dầu

10:54 | 11/05/2021
Chia sẻ
Hai tiệm vàng ở phố Hà Trung, phố Hàng Dầu bị tình nghi đã giúp Công ty Nhật Cường buôn lậu bằng cách chuyển 2.500 tỷ đồng ra nước ngoài. Tòa án đã kiến nghị cơ quan tiếp tục điều tra, nếu có căn cứ sẽ xử lý theo quy định.

Theo TTXVN, chiều 10/5, TAND TP Hà Nội đã tuyên án phạt 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.

Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Kiến nghị điều tra 2 tiệm vàng ở phố Hà Trung, Hàng Dầu - Ảnh 1.

Các bị cáo nghe Tòa tuyên án. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN).

Theo đó, tòa tuyên phạt Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường án 14 năm tù về các tội "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng"; Trần Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường 13 năm tù, Bùi Quốc Việt (anh trai Bùi Quang Huy) 5 năm tù cùng về tội "Buôn lậu"; các bị cáo khác bị phạt từ 3 năm 6 tháng tù đến 9 năm tù.

Bên cạnh đó, hội đồng xét xử cho rằng có một số đối tượng khác là nhà cung cấp, đường dây trung gian chuyển tiền ra nước ngoài giúp sức việc buôn lậu như tiệm vàng ở phố Hà Trung, phố Hàng Dầu nên kiến nghị tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định. Cáo trạng vụ án thể hiện, hai tiệm vàng này đã giúp Nhật Cường chuyển 2.500 tỷ đồng ra nước ngoài để thanh toán cho các nhà cung cấp hàng lậu.

Các bị cáo cấu kết hình thành đường dây buôn lậu lớn 

Hội đồng xét xử nhận định, từ tháng 1/2014 đến 5/2019, Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường đã trực tiếp và chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty Nhật Cường thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép tổng số 2.502 đơn hàng với hơn 255.000 sản phẩm như điện thoại di động, máy tính, máy nghe nhạc, đồng hồ thông minh... với tổng trị giá thanh toán là hơn 2.927 tỷ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hong Kong, Trung Quốc.

Sau đó, Bùi Quang Huy đã trực tiếp hoặc chỉ đạo các bị cáo trong vụ án này liên hệ, thỏa thuận thuê các đường dây thu gom và vận chuyển trái phép số hàng hóa trên từ Trung Quốc về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ. Qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã hợp thức hóa, tiêu thụ được 254.364 sản phẩm, thu lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng.

Cũng từ khoảng tháng 1/2014, Bùi Quang Huy đã thiết lập hai hệ thống sổ sách phần mềm kế toán và chỉ đạo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Tài chính và Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường trên hai hệ thống sổ sách kế toán này tại phần mềm ERP và phần mềm MISA. 

Trong đó, có nhiều số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư vào các công ty con do Bùi Quang Huy thành lập chỉ được ghi chép trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ, không ghi chép trên phần mềm MISA để đưa vào các Báo cáo thuế, Báo cáo tài chính, kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.

Hội đồng xét xử thấy hành vi của các bị cáo lặp đi lặp lại nhiều lần, trong một khoảng thời gian dài nên các bị cáo đều hiểu rõ đó là hàng hóa gì, có hợp pháp hay không. Bên cạnh đó, vi phạm của các bị cáo là một chuỗi các mắt xích liên kết với nhau, từ người lãnh đạo đề ra chủ trương, ý tưởng, chỉ đạo, triển khai trên toàn hệ thống. 

Mỗi bị cáo đều tham gia vào một hay nhiều công đoạn trong quá trình đó với tính chất, mức độ hành vi và để lại hậu quả khác nhau. Do đó, hội đồng xét xử đánh giá, truy tố của viện kiểm sát là đúng người, đúng tội, không oan.

Như Ngọc (tổng hợp)