|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vụ chuyển nhượng gần 200 ha đất: Chuyển công an điều tra làm rõ sai phạm

06:59 | 08/11/2019
Chia sẻ
Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt TCT Bình Dương) đã thực hiện 2 vụ chuyển nhượng đất công gần 200 ha với giá thấp hàng chục lần so với quy định, nguy cơ gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách.

Trưa ngày 7/11, nguồn tin riêng của báo Tiền Phong cho hay, vụ chuyển nhượng đất công của TCT Bình Dương gây lùm xùm những ngày qua đến nay đã có kết luận của Thanh tra Nhà nước.

Nguồn tin cho biết, tại kết luận Thanh tra chỉ rõ những sai phạm trong quá trình sử dụng và chuyển nhượng đất công của TCT Bình Dương. Do vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, vượt tầm xử lý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương nên hồ sơ kết luận thanh tra đã chuyển toàn bộ đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương để phối hợp với Bộ Công an tiếp tục điều tra xử lý.

Vụ chuyển nhượng gần 200 ha đất: Chuyển công an điều tra làm rõ sai phạm - Ảnh 1.

Khu đất 43 ha chuyển nhượng trái quy định

Trước đó, như báo Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh, quá trình biến gần 200 ha đất công về tay doanh nghiệp tư nhân được TCT Bình Dương thực hiện qua nhiều giai đoạn, chia thành 2 thương vụ. 

Theo đó, khu đất 43ha tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (hiện đang thực hiện Khu đô thị (KĐT) Tân Phú cho Cty CP địa ốc Kim Oanh) là tài sản công nhưng TCT Bình Dương (thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý) đã tự ý lấy đất để góp vốn thay vì góp bằng tiền mặt theo chủ trương của Tỉnh ủy.

TCT Bình Dương còn “qua mặt” đơn vị chủ quản để chuyển nhượng khu đất không qua đấu giá. Mức giá mà Hội đồng thành viên TCT Bình Dương chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú đối với khu 43 ha chỉ hơn 250,1 tỷ đồng, tương đương hơn 581.000 đồng/m2, trong khi căn cứ theo Quyết định số 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của UBND tỉnh Bình Dương (ban hành quy định bảng giá các loại đất trên địa bàn) thì bảng giá đất ở đô thị tại dự án KĐT Tân Phú mức giá chuẩn là: Tại vị trí 1 là 24,57 triệu đồng/m2; vị trí 2 là 7,7 triệu đồng/m2; vị trí 3 là 5,64 triệu đồng/m2.

Vụ chuyển nhượng gần 200 ha đất: Chuyển công an điều tra làm rõ sai phạm - Ảnh 2.

Sân golf Phú Mỹ

Theo quy hoạch 1/500, vị trí 1 của dự án sẽ chiếm khoảng 100.000 m2 đất ở và nếu được áp giá theo quy định của UBND tỉnh Bình Dương thì trị giá của nó đã là khoảng 2.457 tỷ đồng. Với diện tích đất ở còn lại được nhân với giá trung bình của vị trí 2 và 3 là 6,67 triệu đồng/m2 thì trị giá khoảng 667 tỷ đồng. 

Như vậy trị giá đất KĐT Tân Phú sẽ là khoảng 3.124 tỷ đồng, cao gấp gần 12,5 lần so với giá TCT Bình Dương đã bán cho Công ty Tân Phú. Trong khi đó, bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương được áp dụng cho 43ha thì trị giá đất sẽ khoảng 6.200 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, nếu áp dụng bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương ban hành cho diện tích đất ở theo quy hoạch 1/500 đã được duyệt thì vào thời điểm cuối năm 2016 ít nhất đã có khoảng 2.874 tỷ đồng bị thất thoát và nếu áp dụng cho cả 43ha thì con số thất thoát có thể lên đến 5.950 tỷ đồng.

Một khu đất khác rộng hơn 145 ha nằm liền kề khu 43 ha được TCT Bình Dương chuyển nhượng bằng hình thức tương tự với giá thấp hơn rất nhiều lần so với quy định, nâng tổng diện tích 2 khu đất lên gần 200 ha. 

Khu đất 145ha được TCT Bình Dương chuyển nhượng sau đó cho các công ty con (do vị Chủ tịch TCT Bình Dương Nguyễn Văn Minh nắm giữ cổ phần lớn) đã làm 2 sân golf, gồm: Golf Phú Mỹ Twin Doves và golf Tân Thành - Harmonie.

Vụ chuyển nhượng gần 200 ha đất: Chuyển công an điều tra làm rõ sai phạm - Ảnh 3.

Sân golf Tân Thành - Harmonie

TCT Bình Dương dùng đất để góp vốn tại các doanh nghiệp khác là trái với chủ trương của tỉnh ủy. Hành vi sai trái của TCT Bình Dương bị phát hiện và ngay lập tức Tỉnh ủy Bình Dương ban hành quyết định thu hồi văn bản đã ký trước đó với nội dung cho TCT Bình Dương góp vốn tại các công ty thuộc khối liên doanh.

Cùng với việc thu hồi văn bản, Tỉnh ủy Bình Dương đã đề nghị Thanh tra Nhà nước tỉnh vào cuộc kiểm tra để xử lý theo quy định.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, trong trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng đất công thì phải trả lại cho Nhà nước. Việc doanh nghiệp tự ý mang tài sản nhà nước đi bán, chuyển nhượng là trái với quy định pháp luật.

Trong trường hợp, doanh nghiệp sử dụng sai mục đích tài sản thì phải hủy giao dịch. Trên tinh thần đó, nếu đã hủy giao dịch thì cơ quan chức năng phải tiến hành xử lý quyết liệt, đồng thời truy cứu trách nhiệm của đơn vị, cá nhân vi phạm.

Ngọc Lâm - Hương Chi