|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

VSV đặt cược vào ứng dụng livestream - video đầu tiên tại Việt Nam với 40.000 USD

15:17 | 23/12/2019
Chia sẻ
Quĩ đầu tư Vietnam Silicon Valley (VSV) sẽ đầu tư 40.000 USD vào Okiva, công ty vận hành nền tảng bán hàng qua livestream đầu tiên ở Việt Nam.

Bán hàng qua livestream (social e-commerce) không phải là mô hình mới trên thế giới. Tuy nhiên, xuất phát từ các nước phương Tây, livetreams trở thành xu hướng bán hàng được các nhà kinh doanh và cả các sàn thương mại điện tử lựa chọn. 

Ngày 12/12, tại TP HCM, Quĩ đầu tư Vietnam Silicon Valley (VSV) công bố thỏa thuận rót vốn 40.000 USD vào Okiva, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực livestream e-commerce.

Giải quyết những bất cập của hoạt động livestream

Đây là nền tảng thương mại điện tử livestream - video đầu tiên tại Việt Nam được phát triển bởi hai nhà sáng lập là ông Hàng Minh Lợi, người từng sinh sống và làm việc 10 năm ở Australia, và bà Nguyễn Quỳnh Yến Phượng với hơn 7 năm kinh nghiệm thiết kế UX/UI cho ứng dụng điện thoại và website.

Ứng dụng livestream - video đầu tiên tại Việt Nam nhận vốn đầu tư 40.000 USD từ VSV - Ảnh 1.

Ông Hàng Minh Lợi và đại diện Vietnam Silicon Valley kí kết đầu tư với số vốn 40.000 USD. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo ông Hoàng Minh Lợi, ứng dụng Okiva ra đời trong bối cảnh tính năng livestream của Facebook có nhiều tiềm năng, có thể giúp người mua thấy được món hàng ngay trước mắt và quan trọng hơn là có thể tương tác trực tiếp với người bán mà không cần phải ra cửa tiệm.

Tuy nhiên, hạn chế của tính năng này là người dùng phụ thuộc vào mạng xã hội Facebook, nên không thể làm chủ hoàn toàn công việc kinh doanh. Do đó, ứng dụng Okiva ra đời giúp người bán hàng livestream trên đa nền tảng.

Đặc biệt, Okiva còn được tích hợp công nghệ tiên tiến với tính năng livestream giúp bán hàng hiệu quả, liền mạch, ổn định và tiếp cận tối đa lượng khách hàng tháng. 

Người bán cũng có thể quản lí hàng hóa, đơn hàng và chăm sóc khách hàng trên Okiva như một nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt.

Hầu hết sàn thương mại điện tử, theo ông Lợi, chỉ là nơi để buôn bán chứ chưa có nền tảng livestream giúp khách hàng chốt đơn trực tiếp. 

Nếu người bán livestream ở Facebook, họ sẽ mất khá nhiều thời gian vì khách hàng phải comment số điện thoại, địa chỉ để chốt đơn.

Sau khi livestream kết thúc, khách hàng lại phải chụp ảnh màn hình gửi tới người bán, rồi người bán lại phải lên đơn, xin thông tin khách hàng. Những thao tác đó "ngốn" nhiều thời gian. 

"Do đó, khi sáng lập ra Okiva tôi đã nghĩ đến phương án phải giải quyết tất cả những vấn đề đó", nhà sáng lập Hàng Minh Lợi chia sẻ.

Liên kết với Facebook

Ngoài ra Okiva không hoạt động tách biệt mà kết nối thẳng với Facebook để giúp các shop tận dụng lượng khách hàng quen thuộc. Đây cũng như là một phương án dự phòng trong trường hợp người bán bị Facebook hạn chế thời gian livestream, họ vẫn bán hàng bình thường trên ứng dụng Okiva.

Cũng theo ông Lợi, Okiva hiện đã được định giá hơn 1 triệu USD, sau khi nhận vốn từ VSV, Okiva sẽ tập trung hoàn thiện sản phẩm và phát triển thị trường trong nước và vẫn tiếp tục gọi vốn với nhiều nhà đầu tư cho kế hoạch mở rộng trong thời gian tới, phát triển ra thị trường nước ngoài.

Trước mắt, Okiva hướng tới các nước trong khối Đông Nam Á, tạo nên một mạng lưới bán hàng livestream xuyên biên giới để tăng hiệu quả về mặt kinh tế, như giúp các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm và dịch vụ xuyên biên giới bằng công nghệ livestream, nhất là các mặt hàng nông sản và thủ công mỹ nghệ.

Theo Statista, tổng doanh thu của các công ty thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 2,26 tỉ USD trong năm 2018, tăng gần 30% so với năm 2017. Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Livetream trở thành một phương thức bán hàng đầy tiềm năng khi các doanh nghiệp liên tiếp tạo ra những tính năng, nội dung mới nhằm thu hút người dùng.

Như Huỳnh

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.