|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vốn từ đâu âm thầm 'mua' doanh nghiệp niêm yết?

08:06 | 04/08/2017
Chia sẻ
Bánh kẹo Hải Hà, Thép Việt - Ý, Bê tông Xuân Mai là những doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng vào “một ngày đẹp trời”, dòng vốn ngoài sàn chảy đến mua thâu tóm cổ phiếu, đưa doanh nghiệp bước đi theo những cách tư duy khác.
von tu dau am tham mua doanh nghiep niem yet
CTCP Bánh kẹo Hải Hà đã rơi vào tay một nhóm cổ đông cá nhân sau khi Vinataba thoái vốn

Câu chuyện M&A năm 2017 có nhiều nét mới, với bức tranh tổng thể được thể hiện tại Diễn đàn M&A Việt Nam, tổ chức ngày 10/8 tới đây.

Chuyện của Thái Hưng

Sau khi hoàn tất việc chào mua công khai 7 triệu cổ phiếu, CTCP Thương mại Thái Hưng vừa nâng lượng cổ phiếu của CTCP Thép Việt Ý (VIS) từ gần 25,1 triệu cổ phiếu lên gần 32,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 65,2% vốn tại VIS.

Trước khi “rơi vào tay” Thái Hưng, VIS đã có 4 năm liền (từ 2012 - 2015) hoạt động kém hiệu quả, nhiều quý liên tiếp thua lỗ, hoạt động không hết công suất của nhà máy.

Sau gần 1 năm về với chủ mới, VIS bắt đầu ghi nhận lợi nhuận tốt hơn với lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 39 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính đến cuối quý II/2017, tổng nợ phải trả của VIS là gần 2.096 tỷ đồng, giảm được 59 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm 60 tỷ đồng, còn 1.617 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn 318 tỷ đồng.

Chưa dừng lại việc nắm cổ phần chi phối tại VIS, Thái Hưng đang từng bước mua lại cổ phần tại CTCP Giang thép Thái Nguyên (TISCO), doanh nghiệp này đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Động thái “thay máu” rõ nhất là sau Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 29/6, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thương mại Thái Hưng đã đồng thời đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Gang thép Thái Nguyên.

Cùng với đó, TISCO đã chấp thuận cho những người đại diện phần vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là ông Nguyễn Quốc Huy được thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Vũ Hoàng Long và Nguyễn Tiến Dũng thôi thành viên Hội đồng quản trị Công ty.

TISCO đã có vốn điều lệ 2.840 tỷ đồng, nhưng sau khi SCIC rút toàn bộ vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Tài chính, vốn điều lệ của TISCO giảm xuống còn 1.840 tỷ đồng. Như vậy, cơ cấu vốn tại TISCO hiện nay là Tổng công ty Thép Việt Nam nắm 65% vốn, Thái Hưng nắm 20% vốn, còn lại là Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng nắm. Tuy nhiên, TISCO đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng và ứng viên chiến lược dự kiến sẽ mua lớn cổ phần phát hành thêm lại là… Thái Hưng.

Tiền thân của CTCP Thương mại Thái Hưng là doanh nghiệp tư nhân hoạt động chính là sản xuất phôi thép ở Thái Nguyên. Với mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, doanh thu bình quân hàng năm đạt khoảng xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, Thái Hưng đang từng bước mua lại các doanh nghiệp ngành thép đã từng có tiếng vang trên thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp mà Thái Hưng làm nhà phân phối, nhưng vì nhiều lý do, hiện đang hoạt động kém hiệu quả.

Thời gian sẽ đánh giá hiệu quả của bước thâu tóm các doanh nghiệp cùng ngành mà Thái Hưng đang thực hiện, nhưng tín hiệu đáng mừng là trước mắt, hoạt động của các doanh nghiệp mà Công ty này mua lại đang có phần cải thiện.

Đổi chủ, hiệu quả ra sao?

Từng là doanh nghiệp niêm yết trên sàn, sau khi “thay máu” cổ đông, cái tên Bê tông Xuân Mai (XMC) bỗng dưng biến mất, thay vào đó là CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai. Sau khi “vào tay” Khải Hưng, XMC đã tái cơ cấu toàn bộ về tổ chức và các mảng hoạt động.

Công ty này cũng đã thành lập một số ủy ban thuộc Hội đồng quản trị để kiểm soát toàn bộ các hoạt động đầu tư. Sau nhiều năm liên tiếp thua lỗ, XMC đã trở lại có lãi từ năm 2014 đến nay. Kế hoạch của XMC là sẽ nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2018 và sớm niêm yết trở lại trên thị trường chứng khoán.

CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC) mới đây cũng đã “rơi vào tay” cổ đông cá nhân, sau khi cổ đông Nhà nước là Vinataba thoái vốn, bán một lượng lớn cổ phần ra thị trường. Sau khi có chủ mới, hoạt động của Bánh kẹo Hải Hà có ít nhiều bị xáo trộn.

Từ đầu năm đến nay, cổ đông nắm HHC vẫn đang được hưởng lợi từ việc giá cổ phiếu tăng, nhưng về lâu dài, diễn biến giá cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào hiệu quả điều hành của “ông chủ” mới.

Hiện tại, giữa nhóm cổ đông cũ và mới của HHC có nhiều điểm không tìm được tiếng nói chung và đây là một loại rủi ro ngầm cho doanh nghiệp cũng như những nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu này.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp đại chúng phải tổ chức đại hội đồng cổ đông trước 30/6/2017, nhưng đến nay (tháng 8), HHC vẫn chưa thể triệu tập tổ chức được đại hội cổ đông. Lý do chính là cổ đông lớn phủ quyết không thông qua các nội dung trình Đại hội. Mâu thuẫn giữa người mới, người cũ chưa được dàn xếp, câu chuyện HHC chưa cho thấy triển vọng cụ thể nào của tương lai.

Bên cạnh câu chuyện về các doanh nghiệp ngoài sàn tìm mua cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết, 1 năm gần đây, câu chuyện cá nhân âm thầm thâu tóm doanh nghiệp cũng không còn quá lạ lùng.

Đơn cử, CPCP Nhựa Y tế Mediplast (Mediplast) vốn là một đơn vị thành viên của Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam - CTCP (Vinamed), sau khi tiến hành IPO vào năm 2016, cổ đông Nhà nước chỉ giữ lại 20% vốn điều lệ.

Sau đó không lâu, tháng 10/2016, Mediplast công bố, cổ đông lớn Vinamed đã tăng tỷ lệ nắm giữ từ hơn 48% vốn điều lệ lên 69,32%, sau khi có sự can thiệp của một số nhà đầu tư cá nhân. Các nhà đầu tư cá nhân này đã âm thầm gom cổ phiếu tự lúc nào.

Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Công ty là 15,7 tỷ đồng, trong khi năm 2015 lợi nhuận sau thuế là 19,7 tỷ đồng, mức cổ tức năm 2016 theo tờ trình là 15% trong khi năm 2015 là 30%. Do có sự phản ứng mạnh mẽ về tình trạng lợi nhuận, cổ tức đều sụt giảm của nhóm cổ đông cũ, Hội đồng quản trị Mediplast đã phải điều chỉnh, trình mức cổ tức năm 2016 là 30%.

Khoảng 1 năm nay, M&A giữa các doanh nghiệp nội diễn ra với nhiều sắc thái mới. Những cuộc thâu tóm âm thầm diễn ra ngày một nhiều hơn, nhưng dòng tiền mới có mang lại lợi ích mới cho doanh nghiệp, cho cổ đông hay không, vẫn chờ tương lai trả lời.

Hoàng Anh