|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Vốn Trung Quốc đang rút khỏi bất động sản toàn cầu

15:40 | 02/01/2019
Chia sẻ
Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đang rút mạnh khỏi các thị trường bất động sản thương mại hàng đầu thế giới, và xu hướng này có thể tiếp diễn trong năm 2019 - tờ Wall Street Journal cho hay.
von trung quoc dang rut khoi bat dong san toan cau
Khách sạn Waldorf Astoria ở New York được tập đoàn Trung Quốc Anbang mua lại năm 2015. (Ảnh: AP)

Tờ báo dẫn dữ liệu từ Real Capital Analytics cho biết các công ty và nhà đầu tư tổ chức khác của Trung Quốc đã bán 233,3 triệu USD khách sạn, tòa nhà văn phòng và bất động sản thương mại khác ở châu Âu trong quý 3/2018, trong khi chỉ mua 58,1 triệu USD bất động sản thương mại tại khu vực này trong quý.

Cùng thời gian, nhà đầu tư Trung Quốc bán hơn 1 tỷ USD bất động sản thương mại tại Mỹ, và chỉ mua 231 triệu USD.

Các nhà phân tích dự báo xu hướng các nhà đầu tư Trung Quốc bán ròng bất động sản thương mại tại các thị trường lớn sẽ tiếp tục trong năm 2019. Chính phủ Trung Quốc vẫn đang ưu tiên ổn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ, nên khó có chuyện Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp kiểm soát đầu tư ra nước ngoài.

Đồng Nhân dân tệ đã giảm giá 5,7% so với USD trong năm 2018 do sự giảm tốc kinh tế Trung Quốc. Đồng tiền này được cho là có thể mất giá thêm so với đồng bạc xanh trong năm nay, đặc biệt trong trường hợp chiến tranh thương mại Mỹ-Trung còn leo thang.

Theo ông Tom Leahy, Giám đốc cấp cao của Real Capital, việc các nhà đầu tư Trung Quốc bán bất động sản thương mại ở Mỹ và châu Âu có liên quan nhiều hơn đến chính sách trong nước của Trung Quốc thay vì các điều kiện thị trường.

Tuy nhiên, sự rút lui của các nhà đầu tư Trung Quốc diễn ra đúng lúc lãi suất tăng lên, gây áp lực suy giảm đối với thị trường bất động sản thương mại tại nhiều thành phố Mỹ và châu Âu.

Bất động sản thương mại là thị trường rất nhạy cảm với lãi suất, vì khách mua thường sử dụng đòn bẩy nợ lớn, và các nhà đầu tư tổ chức thường chuyển vốn từ bất động sản sang trái phiếu mỗi khi lãi suất tăng.

Các nhà đầu tư Trung Quốc mới chỉ chiếm một phần nhỏ thị trường bất động sản thương mại ở Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, tại London và một số thành phố lớn khác của châu Âu, nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Singapore đã bù đắp một phần sự rút lui của nhà đầu tư Trung Quốc.

Mặc dù vậy, nhà đầu tư Trung Quốc vốn được biết đến là thường trả mức giá cao kỷ lục cho các bất động sản nổi tiếng hoặc có vị trí đắc địa. Vì lý do này, sự rút lui của họ có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của thị trường.

Vào năm 2014, các nhà đầu tư Trung Quốc từng khởi động một "chiến dịch mua sắm" bất động sản thương mại toàn cầu, thâu tóm các toàn nhà văn phòng, khách sạn và dự án địa ốc nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư và tìm kiếm nguồn lợi nhuận bền vững. Hỗ trợ cho "chiến dịch" này là những khoản vay giá rẻ được cấp bởi các ngân hàng trong nước.

Nhưng không lâu sau, Chính phủ Trung Quốc - đối mặt với nỗi lo về bảng cân đối kế toán của các nhà đầu tư và sức khỏe của hệ thống tài chính nói chung - bắt đầu có sự can thiệp để kiềm chế rủi ro.

Trong bối cảnh đó, tập đoàn bảo hiểm Anbang của Trung Quốc hiện đang rao bán một loạt khách sạn ở Mỹ và châu Âu với tổng trị giá 5,5 tỷ USD.

Hồi năm 2015, Anbang đã trả 1,95 tỷ USD để mua khách sạn Waldorf Astoria ở New York, đánh dấu mức giá cao nhất từng được trả cho một khách sạn ở Mỹ. Tuy nhiên, Waldorf không được Anbang rao bán ở thời điểm hiện tại.

Xem thêm

Thăng Điệp