|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vốn ngoại tăng liều dược nội

14:53 | 13/03/2019
Chia sẻ
Nhà đầu tư nước ngoài tăng tốc trong các thương vụ M&A trong thị trường dược phẩm Việt Nam.
Vốn ngoại tăng liều dược nội - Ảnh 1.

Ảnh: Quý Hòa.

Nhà đầu tư nước ngoài tăng tốc trong các thương vụ M&A trong thị trường dược phẩm Việt Nam.

Tên tuổi lớn nhất của ngành dược Việt Nam sẽ rơi vào tay nhà đầu tư Nhật. Cơ hội nào cho các doanh nghiệp dược phẩm Việt trên thị trường nội địa khi hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ngành dược tiếp tục được đẩy mạnh?

Tăng tốc M&A

Mới đây, hãng dược phẩm Nhật Taisho Pharmaceutical thông báo sẽ mua thêm 28,36 triệu cổ phiếu, tương đương 21,7% cổ phần của Dược Hậu Giang (DHG). Nếu thành công, tỉ lệ sở hữu của Taisho tại DHG sẽ được nâng từ 34,99% lên mức 56,69%.

Việc Taisho sẽ trở thành cổ đông kiểm soát DHG có thể dự báo từ trước. Năm 2016, tập đoàn dược phẩm Nhật này mua lại 24,5% cổ phần của DHG. Cũng trong năm đó, DHG thông qua chủ trương nâng mức tỉ lệ sở hữu của khối ngoại tại công ty dược có quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán này lên mức tối đa 100%. Tuy nhiên, mãi đến năm 2018, đề xuất này mới được thông qua. Hiện nay, cổ đông lớn nhất của DHG vẫn là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với tỉ lệ sở hữu 43,31%. DHG cũng nằm trong danh sách tiếp tục bán vốn nhà nước trong giai đoạn 2017-2020 nên việc SCIC thoái vốn lần này cũng là chuyện bình thường.

Vốn ngoại tăng liều dược nội - Ảnh 2.

Cuối năm ngoái, Stada Service Holding đã nâng sở hữu tại Pymepharco (PME) lên tỉ lệ 62% (kế hoạch là 72%). Ngoài ra, còn có CFR International SPA (thuộc Abbott) kiểm soát Domesco và mua lại Glomed. Đa phần những doanh nghiệp niêm yết trên sàn, như trường hợp Imexpharm và Traphaco đều có tỉ lệ sở hữu ngoại lên đến trên 47%, nên việc “thâu tóm” nếu có cũng không gì ngạc nhiên.Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DHG tăng liên tục từ đầu năm đến nay, hiện đã lên gần mức giá dự kiến mà Taisho đưa ra để mua lại là 120.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền mà tập đoàn dược phẩm Nhật dự kiến chi ra lần này là 3.400 tỉ đồng. Không chỉ có DHG mà thực tế hiện nay, các công ty dược nội địa đang được rất nhiều công ty dược quốc tế để mắt đến. Tỉ lệ sở hữu khối ngoại lên mức 100% ngoài DHG còn có Dược phẩm Domesco và Pymepharco.

Tại thị trường Việt Nam, cơ hội cho nhà đầu tư ngoại vẫn còn rất nhiều. SCIC vẫn đang là cổ đông lớn của nhiều hãng dược nội địa và đều phải thoái vốn nhà nước trong thời gian tới như Traphaco, Domesco hay Dược Lâm Đồng. Một lý do quan trọng giúp M&A trong ngành dược tăng tốc trong thời gian qua là Nghị định 60 của Chính phủ ban hành năm 2015, cho phép doanh nghiệp dược đại chúng tìm kiếm các đối tác nước ngoài. Với thế mạnh về tài chính, công nghệ, ngành dược Việt Nam đã thay đổi đáng kể trong thời gian qua với nhiều dây chuyền nhà máy sản xuất theo công thức ngoại và đạt chuẩn xuất khẩu.

Tương lai dược Việt

Theo dữ liệu của IMS Health, trong 6 tháng đầu năm 2018, thị phần hầu như thuộc về các công ty dược phẩm nước ngoài, như Sanofi, Novartis, GSK, Roche và Pfizer đã nắm giữ 13,8% thị phần. Trong khi đó, DHG là công ty xếp thứ 6 với thị phần 1,9%. Mặc dù vậy, DHG vẫn đang gặp nhiều thách thức lớn. Năm 2018, doanh thu ghi nhận 3.887 tỉ đồng, giảm 4,3%. Còn lợi nhuận sau thuế là 651 tỉ đồng, chỉ tăng 1,4% so với cùng kỳ. Ngôi vương trên thị trường dược cũng đang lung lay, đặc biệt là khi thị trường chủ lực (chiếm 90% doanh thu) là kênh phân phối nhà thuốc (OTC) đang suy giảm, vấn đề nhân sự cấp cao  còn bỏ ngỏ.

Vốn ngoại tăng liều dược nội - Ảnh 3.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, hiện nay, các công ty dược đang tìm cách mở rộng hoặc nâng cấp tiêu chuẩn sản xuất (từ GPM-WHO lên GPM-EU hoặc PIC/S-GMP). Hiện tại, Việt Nam có 222 nhà máy dược phẩm đạt tiêu chuẩn WHO-GMP thuộc sở hữu của hơn 160 công ty dược phẩm. “Trong bối cảnh đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong cả kênh bệnh viện và nhà thuốc, các công ty hàng đầu tích cực nâng cấp các nhà máy hiện có hoặc dựng các nhà máy mới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn để có thể tiếp cận với nhóm đấu thầu ít cạnh tranh hơn và đạt được chất lượng xuất khẩu”, báo cáo SSI nhận định.Trong bối cảnh đó, có thể nhận thấy ngày càng có nhiều cái bắt tay hợp tác giữa công ty dược ngoại và nội, điển hình như thương vụ Pymepharco sản xuất thuốc theo đơn đặt hàng của Stada và được thị trường Việt đón nhận. Thực tế, các hãng dược đã đặt chân đến Việt Nam từ khá lâu và vẫn đang chờ đợi thị trường mở cửa rộng hơn. “Ngày càng nhiều công ty dược nước ngoài hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ hoặc hệ thống phân phối”, báo cáo của ACBS đánh giá.

Vốn ngoại tăng liều dược nội - Ảnh 4.

Dược phẩm vẫn được xem là ngành “phòng thủ” trên thị trường chứng khoán, nhưng đồng thời lại là ngành thiết yếu trong nền kinh tế. Theo số liệu Business Monitor International (BMI), trong giai đoạn 2010-2017, doanh thu ngành dược Việt Nam đã tăng gấp 2,6 lần. Ước tính tổng doanh thu ngành dược năm 2017 đạt 5,2 tỉ USD. Trong khi đó, chi tiêu dược phẩm theo đầu người tại Việt Nam ước đạt 56 USD/người vào năm 2017, nhưng sẽ tăng lên 85 USD/người vào năm 2020 và 163 USD/người vào năm 2025

.

Thanh Phong

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.