|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vốn ngoại đang chảy vào Việt Nam ngày càng nhiều, nhưng nó cũng đẩy nguy cơ ô nhiễm môi trường lên cao

07:28 | 25/08/2016
Chia sẻ
Khu vực FDI hiện đóng vai trò chủ yếu trong xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường…
von ngoai dang chay vao viet nam ngay cang nhieu nhung no cung day nguy co o nhiem moi truong len cao
Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường diễn ra sáng 24/8.

Cụ thể, báo cáo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho thấy, môi trường nước ta đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế-xã hội trong nước, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới.

Trên cả nước, hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000 m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 4.500 làng nghề, lưu hành gần 43 triệu xe mô tô và trên 2 triệu ô tô.

Hằng năm, cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại. Hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.

Tình trạng chuyển đổi đất rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học đã dẫn đến thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiên, chia cắt các sinh cảnh, suy giảm đa dạng sinh học.

Nói về khu vực FDI, Bộ trưởng Hà khẳng định khu vực này hiện đóng vai trò chủ yếu trong xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực và không thân thiện với môi trường…

Đặt câu hỏi tại sao có sự dịch chuyển này? Bộ trưởng nói: Có phải do các quy chuẩn về bảo vệ môi trường của nước ta chưa theo kịp với các yêu cầu, diễn biến mới của quá trình hội nhập?

Việc đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng chưa chú trọng đúng mức tới công tác kiểm tra, giám sát? Phải chăng lợi ích mà FDI mang lại cho chúng ta không đủ bù đắp những phí tổn về khí hậu và môi trường đang diễn ra?..

Trong khi đó, mới đây, FDI Intelligence – đơn vị trực thuộc tạp chí The Financial Times vừa công bố số liệu về lượng vốn FDI trong năm 2015 ở 14 quốc gia.

Theo đó, Việt Nam dẫn đầu danh sách nước thu hút lượng vốn FDI mới (greenfield FDI), bỏ xa nước xếp thứ hai và thứ ba là Hungary và Romania cũng như các nước trong khu vực là Malaysia và Thái Lan.

Theo FT, Việt Nam có được kết quả này là nhờ nhiều năm nỗ lực cải thiện sức hấp dẫn của nền kinh tế trong con mắt nhà đầu tư.

Dẫu vậy, tốc độ dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam cũng đã chậm lại. Chỉ số của Việt Nam giảm 1,41 so với năm ngoái, mạnh nhất trong 14 nước và tỷ trọng cũng giảm nhẹ từ mức 1,89% xuống còn 1,77%. Số dự án giảm từ 244 của năm 2014 xuống còn 224 dự án.

47,8% các dự án FDI mà Việt Nam thu hút được trong năm ngoái thuộc về lĩnh vực chế tạo. Tiếp theo là ngành dịch vụ tài chính và sản xuất linh kiện điện tử.