Vốn hóa vượt 300.000 tỉ đồng, nhân tố nào đang hỗ trợ đà tăng phi mã của cổ phiếu Vietcombank?
Vốn hóa thị trường Vietcombank vượt 300.000 tỉ đồng
Kết thúc phiên giao dịch 29/7, thị giá cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) dừng ở 81.000 đồng/cp - mức giá đóng cửa cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Trong vòng 7 tháng qua, thị giá cổ phiếu VCB đã tăng hơn 51%, gấp 4,3 lần mức tăng chung của chỉ số VN-Index (11,9%).
Diễn biến cổ phiếu VCB và chỉ số Vnindex từ đầu năm tới nay (Nguồn: VnDirect)
Đà tăng giá của VCB diễn ra trong bối cảnh giá các cổ phiếu ngân hàng biến động trái chiều kể từ đầu năm tới nay.
Cụ thể, từ ngày 2/1 – 29/7, giá cố phiếu của 17 ngân hàng giao dịch trên UPCoM, sàn HNX, HOSE chỉ tăng khoảng 14% với 9 mã tăng giá, 7 mã giảm giá và 1 mã đứng giá.
Thậm chí có những mã có mức giảm rất sâu như TCB của Techcombank giảm 19,5%; NVB (NCB) giảm 15,8%, HDB (HDBank) giảm 14% và LPB (LienVietPostBank) giảm 12%.
VCB hiện đang bỏ xa cổ phiếu xếp thứ hai về mức tăng giá là EIB của Eximbank (tăng 28,8%) và gấp 2,8 lần so với MBB ( tăng 18,6%).
Diễn biến giá cổ phiếu 17 ngân hàng niêm yết kể từ đầu năm tới nay (Nguồn: PV tổng hợp)
Giá cổ phiếu bật tăng mạnh mẽ đã giúp vốn hóa thị trường của Vietcombank liên tục phá kỉ lục.
Hiện Vietcombank là nhà băng có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường với hơn 304.000 tỉ đồng, chiếm tới gần 36% tổng vốn hóa ngành ngân hàng, gấp 2,5 lần ngân hàng xếp thứ hai BIDV (giá trị vốn hóa 122.400 tỉ đồng) và gấp gần 4 lần ngân hàng xếp thứ 3 là VietinBank (với hơn 77.800 tỉ đồng)…
Cùng với đà tăng của thị giá, nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng mua ròng đối với cổ phiếu VCB. Trong thời gian từ 2/1/2019 – 30/7/2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng hơn 30 triệu cổ phiếu VCB, tương ứng với giá trị mua ròng là hơn 1.955 tỉ đồng.
Vốn hóa các ngân hàng tại ngày 29/7 (Nguồn: PV tổng hợp)
Những nhân tố hỗ trợ đà tăng giá của VCB
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới giá của một cổ phiếu tuy nhiên không thể phủ nhận những thông tin tích cực trong hoạt động kinh doanh của Vietcombank đang là nhân tố hỗ trợ cho đà tăng của VCB.
Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt kỉ lục gần 11.304 tỉ đồng, tăng 41% so với cùng kì 2018 và đạt 56,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm (20.000 tỉ đồng).
Cùng với đó, các chỉ tiêu tài sản của nhà băng này cũng đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt như tổng tài sản tăng 4,6% so với cuối năm trước; dư nợ cho vay khác hàng đạt 695.467 tỉ đồng, tăng 10,1%. Tiền gửi khách hàng tăng 23%, ở mức 870.860 tỉ đồng.
Đồng thời, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng tiếp tục ở mức thấp 1,03% trong khi số dư trái phiếu VAMC duy trì ở 0 đồng.
Trụ sở Vietcombank tại TP HCM. (Nguồn: MAX)
Thông tin tích cực tiếp tục đến với Vietcombank khi Bloomberg dẫn một nguồn tin thân cận cho biết Tập đoàn bảo hiểm Prudential đang cạnh tranh với Tập đoàn FWD của tỉ phú Hong Kong Richard Li để trở thành đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền của ngân hàng này.
"Dự kiến Vietcombank sẽ nhận được khoản thanh toán lần đầu khoảng 400 triệu USD (tương đương 9.200 tỉ đồng) và có thể nhận được nhiều hơn tùy thuộc vào hiệu quả kinh doanh", nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Bên cạnh các thông tin về kết quả kinh doanh, giới đầu tư cũng đang kì vọng về động thái tăng vốn của ngân hàng này. Tại đại hội thường niên 2019, ban lãnh đạo của Vietcombank đã công bố phương án tăng vốn lên gần 55.300 tỉ đồng thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu.
Trong đợt 1, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành gần 1,484 tỉ cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu (tương ứng với tỉ lệ 40%) từ lợi nhuận giữ lại tích lũy. Nếu phát hành thành công, số vốn dự kiến tăng thêm là gần 14.835 tỉ lên 51.924 tỉ đông.
Thời gian phát hành dự kiến là trong năm 2019 và ủy quyền cho HĐQT quyết định thời gian cụ thể. Như vậy, nhiều khả năng các thông tin chính thức về đợt phát hành này sẽ sớm được công bố trong thời gian tới.
Đợt 2, ngân hàng sẽ tiến hành phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành ra công chúng với tỉ lệ 6,5%, tương đương 337,5 triệu cổ phần.
Số vốn dự kiến tăng thêm tối đa là 3.375 tỉ đồng. Vốn điều lệ sau khi phát hành đạt 55.299 tỉ đồng. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2020 và ủy quyền cho HĐQT quyết định thời gian cụ thể.
Theo ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, đợt phát hành thứ hai là phát hành riêng lẻ nốt phần còn lại của năm 2018. Năm ngoái, ngân hàng được phê duyệt 10% phát hành riêng lẻ nhưng chỉ phát hành được 3% cho đối tác nước ngoài. Với hơn 6% còn lại, ngân hàng dự kiến trình cổ đông để làm việc với cơ quan có thẩm quyền để tăng vốn.
"Việc tăng vốn năm nay sẽ có những hình thức khác, tính đến mọi phương thức: phát hành cho cổ đông hiện hữu, cổ đông mới chứ không gói trong cổ đông mới như năm 2018. Trên cơ sở được cổ đông thông qua, chúng tôi sẽ làm để xin phê duyệt và thông tin sớm", ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh những thông tin trên, cổ phiếu VCB trong thời gian qua cũng được dịp truyền thông mạnh mẽ khi Hoa hậu Việt Nam năm 2006 Mai Phương Thúy chia sẻ trên trang cá nhân tự nhận mình là một nhà đầu tư và cho biết đang nắm giữ cổ phiếu VCB.
"Chỉ những người mua giá 40x-50x mới hiểu cảm giác của tôi lúc này, mọi người có phải đã chốt lời hết ở ga 60x? Tôi thì ôm đến 80x ...", dòng chia sẻ trên facebook của hoa hậu Mai Phương Thuý.
Dòng trạng thái này được nhiều người đua nhau chia sẻ, bàn luận và thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu VCB, đồng thời hiệu ứng này được lan truyền đi khá rộng.
Dòng trạng thái được Hoa hậu Mai Phương Thúy chia sẻ trên Facebook (Nguồn: Facebook NV).