|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vốn hoá thị trường cổ phiếu tiến sát mục tiêu 100% GDP năm 2020

20:48 | 05/11/2019
Chia sẻ
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên còn phụ thuộc rất lớn vào sự vận động của thị trường, đặc biệt là kết quả thực hiện cổ phần hoá và đưa cổ phiếu lên giao dịch của những doanh nghiệp lớn như Mobifone, VNPT, Agribank, Vicem...

Đó là nhận định của ông Nguyễn Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2020- 2030: Suy thoái hay hưng thịnh?" do Nhịp cầu đầu tư tổ chức sáng 5/11 tại TP HCM.

vnindex

Tính đến hết quí 3/2019, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt mức tương đương với 81% GDP. Và để đạt mục tiêu 100% GDP năm 2020, ước tính vốn hoá thị trường chứng khoán phải tăng thêm 35%. (ảnh Fireant)

Theo ông Nguyễn Hiếu, qui mô và thị trường cổ phiếu Việt Nam phát triển vượt bậc trong những năm qua và đang gắn chặt hơn với nền kinh tế. 

Tính đến hết quí 3/2019, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt mức tương đương với 81% GDP. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực con số này vẫn thấp hơn khá nhiều.

Dựa theo giả định kinh tế tăng trưởng 6,8% và lạm phát quanh ngưỡng 4% theo mục tiêu của Chính phủ trong năm 2020, Tổng Giám đốc VDSC ước tính vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam cần tăng ít nhất 35% trong năm 2020 để tỉ lệ vốn hóa thị trường/GDP đạt 100% theo mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.

Hiện tại, vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức khoảng 4.548 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 195 tỉ USD. Theo đó, để tăng vốn hóa thị trường thì có hai cấu phần, một là giá tăng và hai là lượng cổ phiếu trên thị trường tăng.

Trong khi kinh tế thế giới đang được nhiều dự báo sẽ gặp khủng hoảng trong năm 2020, khi nhiều nước lớn nới lỏng tiền tệ, đẩy giá tài sản lên cao, tình trạng lợi suất đảo ngược đang diễn ra ở Mỹ và nợ công tăng. Thị trường chứng khoán cũng được dự báo không nhiều dư địa tăng điểm trong năm 2020.

Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lí Kinh tế Trung ương, thị trường cổ phiếu từ phấn khích năm 2017 đến cẩn trọng, thanh khoản sụt giảm đáng kể xuống quanh mức 4.000 tỉ đồng như đầu năm 2019 đến nay cho thấy sự em dè của giới đầu tư.

"Nhìn lại lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 10 năm gần đây, chỉ số VNIndex chỉ có một lần tăng hơn 35% đó là năm 2017 (tăng 48%), sau đó bắt đầu tăng trưởng chậm lại", ông Nguyễn Hiền cho hay.

Do vậy, để VNIndex tăng trên 20% theo lãnh đạo VDSC không phải là điều dễ dàng và rất khó dự đoán. Cho nên, để đạt được mục tiêu vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, cách khả dĩ nhất là tăng số lượng hàng hoá thông qua quá trình cổ phần hóa, thoái vốn ở khối doanh nghiệp nhà nước của các doanh nghiệp tư nhân có qui mô lớn.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn được dự kiến sẽ IPO trong năm 2020 như Mobifone, VNPT, Agribank, Vicem... Ước tính các doanh nghiệp này có giá trị niêm yết lên tới 8 tỉ đô la sẽ góp phần tăng giá trị vốn hóa cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

"Cổ phần hóa, thoái vốn ở khối doanh nghiệp nhà nước và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp tư nhân lớn là những điều kiện tiên quyết để vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt mốc 100% qui mô tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2020", ông Nguyễn Hiền nhấn mạnh.

Dẫn chứng cho điều này, lãnh đạo VDSC dẫn lại năm 2017, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tăng hơn 80% so với cuối năm 2016, nhờ hàng loạt doanh nghiệp niêm yết mới như: VJC, HVN, PLX, VPB và VRE.

Đồng thời, các thương vụ thoái vốn lớn diễn ra như VNM và SAB, khiến giá cổ phiếu VNM và SAB tăng lần lượt 66% và 26% so với cuối năm 2016. Việc IPO và thoái vốn ở một số doanh nghiệp lớn này đã chiếm hơn 50% tổng vốn hóa thị trường tăng thêm thời điểm năm 2017.

Do đó, để vốn hóa thị trường có thể đạt 100% GDP trong năm 2020, cần đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước và IPO của các doanh nghiệp tư nhân lớn.

 "Tuy nhiên, để không lặp lại diễn biến của cuối năm 2017 và đầu năm 2018 khi thị trường tăng mạnh trong thời gian ngắn nhưng cũng giảm nhanh ngay sau đó, chúng tôi cho rằng thị trường cần tính ổn định và bền vững hơn để tạo niềm tin cho nhà đầu tư", ông Hiếu, Tổng Giám đốc VDSC nói.

Theo TS. Võ Trí Thành, TTCK sẽ phụ thuộc vào tốc độ cải cách luật chơi, sửa đổi luật chứng khoán, nới room, thêm công cụ phái sinh, tăng cường minh bạch, tăng cung nhờ ép tiến độ cổ phần hoá, nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi,  thị trường trái phiếu, trái phiếu DN, đặc biệt là khả năng chuyển đổi tiền tệ…

Cổ phần hoá vẫn đang rất "ì ạch"

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, từ năm 2016 đến nay, mặc dù công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng tiến độ vẫn rất chậm.

Cụ thể, đến nay mới cổ phần hóa được 35/127 DNNN đạt 27,5%; hoàn thành thoái vốn được 88/405 doanh nghiệp, đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/9/2019, đã có 148 DNNN được cấp có thẩm quiền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo quiết định của Chính phủ. Số lượng DN chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 DN (chiếm 71%).

Trong 9 tháng đầu năm 2019 có 9 DN được cấp có thẩm quiền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quiền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 443.056 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.694 tỉ đồng.

Từ nay đến hết năm 2020 còn phải cổ phần hóa 92 doanh nghiệp. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp hiện đang còn chậm và đứng trước nguy cơ không đạt được kế hoạch đề ra.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn hiện đang rất chậm do một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

Đầu tháng 10, Chính phủ vừa ban hành Nghị quiết số 73/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quiết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lí, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Theo Nghị quiết trên, Chính phủ đã đưa ra nhóm giải pháp đi từ hoàn thiện chính sách pháp luật; đẩy mạnh thực hiện chính sách cho đến tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lí trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm trong công tác quản lí vốn nhà nước và cổ phần hóa các DNNN.


Huy Nguyên