Vốn FDI vào bất động sản hồi phục mạnh trong quí III
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quí III lượng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào lĩnh vực bất động sản đã có cải thiện tích cực so với hai quí đầu năm.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, tổng vốn FDI đăng kí vào lĩnh vực bất động sản đã tăng dần từ mức 0,264 tỉ USD trong quí I lên 0,586 tỉ USD vào quí II và bứt phá lên con số 2,35 tỉ USD ở quí III.
Tuy nhiên, sau thời gian dài giữ vị trí thứ hai sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo, hoạt động kinh doanh bất động sản đã bị tụt xuống vị trí thứ ba trong thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Bộ Xây dựng, mặc dù thị trường bất động sản chịu tác động kép do dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong tháng 7 và chịu ảnh hưởng tâm lí khách hàng "né" tháng ngâu nhưng thị trường vẫn có phản ứng tích cực.
Điều này thể hiện qua số liệu về tổng vốn FDI đăng kí vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh tới 4 lần so với quí II/2020.
Đây chính là tín hiệu tốt cho việc bổ sung nguồn vốn quan trọng để đầu tư phát triển lĩnh vực bất động sản nói riêng và đóng góp quan trọng đối với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung.
Các doanh nghiệp kinh doanh và phát triển bất động sản đã bắt đầu mở bán các dự án, công bố kế hoạch kinh doanh thời kì sau đại dịch cùng với kế hoạch tuyển dụng lao động, tìm kiếm nhân sự phù hợp cho kế hoạch lâu dài.
Cùng với đó là các kế hoạch phát triển khách hàng mới thậm chí thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thể đô thị hoá.
Theo báo cáo của Bộ xây dựng, những ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên, hệ thống giao thông đi lại được cải thiện hơn, chính sách đầu tư thông thoáng, tạo nhiều điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước đã giúp Việt Nam có được những lợi thế riêng, hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư bất động sản trong và ngoài nước so với một số quốc gia trong khu vực.
Báo cáo cho biết giá trị hàng tồn kho bất động sản đến hết năm 2019 ước tính khoảng 18.800 tỉ đồng. Lượng hàng tồn kho bất động sản trong năm 2020 tính từ quí I đến quí III/2020 đang giảm dần.
Lượng hàng tồn kho bất động sản chủ yếu nằm ở phân khúc căn hộ trung, cao cấp, căn hộ du lịch, nhà tái định cư,…được đầu tư xây dựng tại các vị trí xa trung tâm, thiếu đồng bộ về hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội,…
Số liệu được thu thập qua theo dõi tình hình thị trường bất động sản cũng như tổng hợp số liệu hàng tồn kho của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán và lượng hấp thụ các sản phẩm bất động sản mới trên tỉ lệ lượng cung sản phẩm bất động sản ra hai thị trường bất động sản lớn (Hà Nội và TP HCM) từ Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
Bộ Xây dựng nhận định mặc dù trải qua làn sóng COVID-19 lần 2, nhưng trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy thị trường bất động sản trong quí III/2020 đang dần phục hồi và phát triển. Nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn.
Theo đó, bất động sản công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường bất động sản bởi nhiều nguyên do như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều Tập đoàn đa quốc gia; khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh của Việt Nam.
Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng: trên cả nước có 49 dự án với 3.772 căn hộ du lịch, 3.505 biệt thự du lịch và 48 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 94 dự án với 18.812 căn hộ du lịch và 6.089 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 23 dự án với 68 căn hộ du lịch, 375 biệt thự du lịch và 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành.
Số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép giảm mạnh (giảm khoảng 46,7%) so với quí II/2020.