Vốn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại TP HCM tăng 84,5%
Trong số các doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với vốn đăng ký 156.680 tỉ đồng - Ảnh: Anh Quân |
Theo báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của UBND TPHCM, trong 9 tháng của năm 2017, TPHCM có 29.921 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 396.493 tỉ đồng, tập trung nhiều nhất tại quận 1, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân. So với cùng kỳ, tăng 13% về số lượng doanh nghiệp và tăng 84,5% về vốn đăng ký.
Ngoài ra, có 44.087 lượt doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 218.273 tỉ đồng so với cùng kỳ, tăng 11,2 % về số lượt doanh nghiệp và tăng 49,6% về vốn bổ sung.
Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký mới và bổ sung là 614.766 tỉ đồng, tăng 70,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số các loại hình doanh nghiệp thành lập mới thì công ty TNHH một thành viên chiếm tỷ trọng cao nhất với 17.546 doanh nghiệp (58,6%); tiếp đến là công ty TNHH hai thành viên trở lên chiếm 28% với 8.387 doanh nghiệp; công ty cổ phần có 3.581 doanh nghiệp, chiếm 11,9%; doanh nghiệp tư nhân có 404 doanh nghiệp, chiếm 1,4%.
Phân theo ngành nghề, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với vốn đăng ký 156.680 tỉ đồng (chiếm 39,5%, tăng 74,8% so với cùng kỳ); tiếp theo là bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 16,2% với vốn đăng ký 64.312 tỉ đồng, tăng 66,6% so với cùng kỳ; xây dựng với vốn đăng ký 52.867 tỉ đồng chiếm 13,3 % tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ.
Đáng chú ý ngành khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có tổng vốn đăng ký 29.580 tỉ đồng, chiếm 7,5% tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Để đạt được mục tiêu có 500.000 doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, TPHCM tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đến nay đã có 1.372 hộ kinh doanh đã chuyển thành doanh nghiệp, trong đó tập trung nhiều nhất ở các quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 10, 5 và huyện Bình Chánh.
Đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài, trong 9 tháng có 593 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 925 triệu đô la Mỹ. Bên cạnh đó có 164 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 690,7 triệu đô la Mỹ.
Ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo là ngành có vốn đầu tư nhiều nhất với 471,5 triệu đô la Mỹ, chiếm 51%, tăng gấp 6,1 lần so với cùng kỳ; tiếp theo là các ngành bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy, kinh doanh bất động sản…
Trong 9 tháng của năm 2017, các nhà đầu tư Mỹ có vốn đầu tư lớn nhất với 249,95 triệu đô la Mỹ, chiếm 27%; tiếp đến là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.
Theo kế hoạch, ngày 25-9, UBND TPHCM sẽ có cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng của năm 2017 và bàn các giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm.
Thoái vốn đã bước vào giai đoạn quyết liệt Theo ông Phùng Văn Hùng, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tiến độ thoái vốn chậm do chưa thực sự quyết liệt. ... |
Đã quyết thoái vốn hàng loạt doanh nghiệp Tập đoàn dầu khí Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký văn bản phê duyệt thoái vốn hàng loạt doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ... |
Thu về 15.770 tỷ đồng nhờ thoái vốn doanh nghiệp từ đầu năm Theo Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp Nhà nước đã thoái vốn được 3.693 tỷ đồng, thu về 15.770 tỷ ... |