|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vỡ đập thủy điện Lào, bài học nào cho Việt Nam?

07:40 | 30/07/2018
Chia sẻ
Sự cố vỡ đập Thủy điện tại Lào rút ra bài học gì về quản lý an toàn hồ đập tại Việt Nam?
vo dap thuy dien lao bai hoc nao cho viet nam

Báo Giao thông đã trò chuyện với kỹ sư thủy công Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế xây dựng các công trình thủy điện.

Nhóm thanh niên say rượu từng gây ngập một vùng

Là một chuyên gia nhiều năm tư vấn thiết kế thủy điện, ông nhận định như thế nào về sự cố vỡ đập Thủy điện Xepian Xenamnoy tại Lào?

Sự cố vừa qua xảy ra ở phần đập phụ được đắp bằng đất với độ cao 16m, trong khi hồ chứa Xepian Xenamnoy mới tích được khoảng 500 triệu m3 từ đầu năm.

Để điều tra nguyên nhân chính xác cần phải tới tận nơi và mất khá nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu từ khâu khảo sát tới thiết kế, thi công, rồi quy trình quản lý. Tuy nhiên, về lý thuyết, với kết cấu đập đất thường có 3 nguyên nhân dẫn tới vỡ đập gồm: Xói ngầm gây ra sụt lún; thiết kế mái đập không đúng; tính cao trình đỉnh đập không chính xác. Tuy nhiên, thông tin mô tả tại hiện trường cho thấy trước khi vỡ đập, đã xuất hiện các mạch nước sùi ra, vì thế rất có thể nguyên nhân do xói ngầm. Nếu hiện tượng này được phát hiện sớm trước một tuần hoàn toàn có thể khắc phục được.

Nhìn vào sự cố này, có thể rút ra bài học gì về quản lý an toàn hồ đập tại Việt Nam?

Văn hóa an toàn hồ đập được thể hiện qua ba bước. Bước đầu tiên là khảo sát, thiết kế thi công và quản lý. Chỉ cần một khâu nào có vấn đề đều có thể dẫn tới nguy cơ. Tiếp theo là bước xây dựng kịch bản vỡ đập cho hạ du nếu xảy ra thảm họa, lên phương án ứng phó; Bước ba là phổ biến diễn tập cho lực lượng chức năng và cư dân vùng hạ du.

Tại Việt Nam, trong khoảng chục năm trở lại đây, văn hóa an toàn hồ đập cũng được xây dựng song còn ở mức thấp. Các dự án thủy điện cỡ vừa trở lên có thể khá yên tâm. Tuy nhiên, lo ngại nhất là những công trình thủy điện nhỏ, chủ yếu là đập đất, được xây từ hơn chục năm trở về trước, do địa phương quản lý. Đây cũng là thời điểm cả kinh nghiệm lẫn năng lực xây dựng thủy điện ở các địa phương còn hạn chế. Quan trọng nhất là khâu khảo sát nhưng lại thường bị chủ đầu tư bỏ qua để tiết kiệm tối đa chi phí; hoặc nhiều chủ đập làm theo kiểu đối phó, thuê những đơn vị thiếu kinh nghiệm, may thì được không may thì chết, chưa kể thiết kế bị vênh so với tiêu chuẩn.

Hậu quả tất yếu của việc chạy theo đơn giá thấp và đơn vị tư vấn yếu kém đã dẫn tới một số sự cố đập. Tiêu biểu, năm 2012 vỡ Thủy điện Đakrông 3 (Quảng Trị); năm 2014 vỡ đập Thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai)…

Vậy, làm thế nào để hạn chế nguy cơ vỡ đập từ thủy điện nhỏ tại các địa phương, thưa ông?

Theo Nghị định về an toàn đập được sửa đổi, các dự án thủy điện đều phải thực hiện đầy đủ các khâu từ khảo sát thi công tới quản lý vận hành. Đối với những đập thủy điện nhỏ từ trước, các địa phương phải đánh giá có đảm bảo an toàn hay không, nếu không lập tức "tuýt còi" không cho tích nước, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải bổ sung, gia cố. Cũng theo quy định, tất cả các dự án thủy điện trước mùa mưa bão đều phải bắt buộc có đánh giá về an toàn hồ đập.

Vấn đề là ý thức của chủ đầu tư, trách nhiệm quản lý giám sát của các cơ quan chức năng và yếu tố con người thực hiện ra sao? Thực tế quy trình vận hành hồ chứa, khống chế mực nước, đều được giám sát bằng camera gửi trực tiếp về cơ quan quản lý theo phân cấp. Tương tự, hệ thống quan trắc cảnh báo cũng đã được yêu cầu gắn trên mặt đập. Thế nhưng chỉ vì một khâu lơi lỏng giám sát quản lý mới có chuyện thông tin xả lũ bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay; hay tháng 3/2017 một nhóm thanh niên say rượu mở van xả nước lũ hồ chứa tại Sơn Hòa, Phú Yên gây ngập lụt cả vùng...

Các đồn đoán hậu quả vỡ đập mới là định tính

Như trên ông có nhắc tới kịch bản về thảm họa nếu vỡ đập. Ở Việt Nam, công việc này được thực hiện ra sao?

Kịch bản vỡ đập có nhiều cấp độ, sơ bộ hầu hết các thủy điện đều đã có nhưng chi tiết để lên phương án diễn tập ứng phó thì chỉ vài năm gần đây mới được xây dựng. Theo đó, bằng biện pháp kỹ thuật tiên tiến, người ta đưa ra hàng chục phương án tăng dần các mức nghiêm trọng tới tồi tệ nhất; sau đó diễn toán thủy lực từ chân đập xuống hạ du tới khi ra cửa biển; phân tích kết quả vùng nào ngập, vùng nào có thể an toàn để di dời dân.

Tất nhiên, việc thực hiện phân tích chi tiết rủi ro, từ đó đưa ra kịch bản về thảm họa và hướng dẫn các địa phương cảnh báo cần khoản kinh phí rất lớn. Hiện có khoảng 50% các lưu vực lớn có các công trình thủy điện lớn ảnh hưởng đến hạ du, đã và đang được bố trí kinh phí xây dựng kịch bản. Tuy nhiên, ngay chính tại các thủy điện nhỏ, việc công khai lợi ích đi kèm với rủi ro từ các công trình thủy điện cũng rất cần thiết. Chính điều này sẽ giúp người dân hiểu được mức độ rủi ro và có ý thức tự bảo vệ tính mạng, tài sản khi rủi ro xảy ra.

Từng có rất nhiều lời đồn đoán khủng khiếp trong tình huống vỡ đập thủy điện ở các địa phương, theo ông có cơ sở hay không?

Tất cả những tin đồn về hậu quả vỡ đập thủy điện từ trước tới nay chỉ là định tính chứ không phải dựa trên cơ sở tính toán khoa học. Chẳng hạn, từng có tin đồn nếu vỡ đập trên lưu vực sông Thu Bồn thì cả Hội An sẽ bay ra Trường Sa. Tuy nhiên, theo kịch bản chúng tôi xây dựng, trong trường hợp 15 đập trên hệ thống sông này cùng vỡ một lúc thì vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất là ngay sát chân đập; sau đó nước sẽ lan ra rất nhanh khu vực đồng bằng với vận tốc tương đương một trận lũ tự nhiên có tần suất 1% đã từng xảy ra trong lịch sử. Như vậy, nhận định về quả bom nước trong trường hợp này đã được hóa giải.

Cảm ơn ông!

Ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương:

Các hồ đập thuỷ điện có tổng dung tích 56 tỷ m3 nước

Thống kê đến tháng 5/2018, cả nước có 385 nhà máy thủy điện đang vận hành, các hồ đập thủy điện có tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 nước, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước.

Đến nay, 278/278 đập, hồ chứa thủy điện có dung tích từ 50.000 m3 trở lên hoặc đập có chiều cao từ 5m trở lên trên địa bàn cả nước đã được chủ đập thực hiện đăng ký an toàn đập và tiến hành kiểm tra định kỳ, báo cáo hiện trạng tới cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương; 254 chủ đập trong số này đã xây dựng phương án phòng, chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, Bộ Công thương đã phê duyệt 80 trong tổng số 85 phương án.

Về công tác xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du đập, hiện có 222/278 đập đã hoàn thiện, được phê duyệt; 56/278 đập đang được chủ đập thực hiện và sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Các chủ đập cũng đã quan tâm xây dựng phương án bảo vệ đập với 251/278 đập đã hoàn thành phương án và được phê duyệt. 100% đập thuộc diện theo thiết kế phải lắp đặt thiết bị quan trắc, đã được các chủ đập thực hiện và xử lý số liệu theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục PCTT:

Rà soát an toàn hồ đập một lần nữa

Cả nước đang có hơn 6.600 hồ chứa. Với thiên tai xảy ra thường xuyên như hiện nay, nguy cơ rủi ro gây mất an toàn hồ đập luôn cận kề. Do vậy, hàng năm, BCĐ T.Ư PCTT đã chỉ đạo tất cả bộ ngành, địa phương liên quan rà soát kiểm tra đánh giá an toàn công trình hồ đập trước mùa mưa lũ. Nếu công trình nào không đảm bảo an toàn nhất quyết không cho tích nước. Bên cạnh đó tăng cường lực lượng trực ban quản lý vận hành chuyên nghiệp, thực hiện quan trắc tính toán lượng mưa, lưu lượng dòng chảy; chủ động phương án xử lý, cung cấp đầy đủ thông tin nếu có sự cố xảy ra; đặc biệt lưu ý thông tin vùng hạ du đảm bảo an toàn tính mạng người và tài sản.

Sau sự cố vỡ đập bất thường tại Lào, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị rà soát hồ đập một lần nữa, lường trước những tình huống bất lợi để có phương án phòng chống.

Hoàng Ngân (Ghi)

Xem thêm

Trịnh Tuyết