|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VNSteel lý giải kế hoạch lãi chưa bằng một nửa năm 2020 và quyết định không chia cổ tức

22:07 | 22/05/2021
Chia sẻ
Năm 2021, VNSteel đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến 260 tỷ đồng và chỉ bằng 48% kết quả năm ngoái.
VNSteel giải thích lý do đặt kế hoạch chưa tới 50% kết quả năm 2020 - Ảnh 1.

Trụ sở của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP tại 91 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Minh Hằng).

Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, mã: TVN) vừa dời thời gian họp Đại hội đồng cổ đông năm 2021 từ ngày 28/5 sang ngày 15/6 theo hình thức online do những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Theo đó, đại hội sẽ trình cổ đông kế hoạch năm 2021 với sản lượng và tiêu thụ thép thành phẩm 3,91 triệu tấn, thấp hơn kết quả năm ngoái khoảng 386.000 tấn.

Tổng doanh thu hợp nhất mục tiêu đạt 30.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến 260 tỷ, lần lượt bằng 96% và bằng 48% thực hiện năm ngoái.

Trong đó, kế hoạch công ty mẹ đạt 2.431 tỷ đồng doanh thu và 100 tỷ đồng lãi trước thuế.

Năm nay, VNSteel dự định dành ra 379 tỷ đồng đê đầu tư phát triển và chi 254 tỷ đồng để đầu tư mua sắm, nâng cấp tài sản cố định.

Theo VNSteel, kế hoạch lợi nhuận năm 2021 có thể bị ảnh hưởng xấu từ các khoản đầu tư của tổng công ty tại VTM, Tisco, Mỏ sắt Thạch Khê. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã có văn bản xử lý quyết toán cổ phần hóa tại VNSteel, nếu giữ nguyên dự thảo thì VNSteel sẽ phải phân bố giá trị lợi thế vị trí địa lý vào kết quả kinh doanh trong ba năm. 

Đồng thời VNSteel phải nộp bổ sung số "phải nộp về cổ phần hóa" và "lãi chậm nộp" thì hiệu quả năm 2021 của công ty mẹ và lợi nhuận hợp nhất sẽ giảm một khoản tương ứng.

Ngoài ra, theo doanh nghiệp, ngành thép Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với vai trò lớn hơn trong khu vực, song vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Cụ thể, xu hướng đầu tư tiếp vào các nhà máy thép công suất lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục gia tăng, các nhà máy của hãng sản xuất thép lớn như ArcelorMittal S.A, Baowu Steel, Tata Steel,... góp phần tăng nguồn cung trong khu vực.

Theo SEASI, năng lực của các nhà máy thép công suất lớn đi vào hoạt động sẽ là thách thức lớn cho các nhà máy thép ở Việt Nam. 

Đối với trong nước, cạnh tranh ngày càng cao do cung vượt cầu, quá trình chọn lọc đào thải các cơ sở luyện kim nhỏ lẻ sẽ diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh từ thép nhập khẩu sẽ vẫn là mối đe dọa đối với thị trường thép trong nước.

Đặt kế hoạch đi lùi so với năm 2020, doanh nghiệp giải thích thêm còn do vị thế và vai trò của VNSteel đã có phần suy giảm so với trước. Ngoài ra còn do vấn đề năng lực tài chính, công nghệ cũ, lạc hậu,...

Giai đoạn 2021 - 2026, công ty sẽ trình cổ đông kế hoạch sản xuất 22,41 triệu tấn thép thành phẩm. Tổng doanh thu hợp nhất mục tiêu 170.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.950 tỷ đồng.

VNSteel cũng lưu ý là nếu công ty thoái vốn thành công tại các đơn vị Tisco, VTM, Natsteelvina, Vinasteel, TNFS và Thép Vicasa, Thép Biên Hòa, Thủ Đức buộc phải dời nhà máy thì dự kiến kế hoạch sản lượng và các chỉ tiêu tài chính sẽ điều chỉnh.

VNSteel giải thích lý do đặt kế hoạch chưa tới 50% kết quả năm 2020 - Ảnh 2.

Chi tiết kế hoạch kinh doanh của VNSteel năm 2021 - 2026 trường hợp công ty thoái vốn thành công. (Nguồn: Tại liệu ĐHĐCĐ VNSteel).

Không chia cổ tức năm 2020

Về kế hoạch cổ tức, VNSteel trình cổ đông phương án không chia cổ tức năm 2020. Doanh nghiệp giải thích do lợi nhuận lũy kế trên báo cáo tài chính riêng chỉ đạt 229 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ rất lớn là 6.780 tỷ đồng. Nếu chia cổ tức thì tỷ lệ rất thấp khoảng 3%.

Cũng tại đại hội lần này, cổ đông sẽ bầu 5 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021 - 2026, tăng một thành viên so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, 4 thành viên tham gia ứng cử đều trong ban quản trị cũ, một thành viên còn lại ứng cử là ông Phạm Công Thảo đang là Phó Tổng Giám đốc VNSteel.

Dành tối đa 10.000 tỷ đầu tư nhà máy mới hoặc M&A

Giai đoạn 5 năm tới, VNSteel sẽ đầu tư các dự án mới, hoặc mua bán sáp nhập công ty sản xuất thép để duy trì sản lượng và tăng cạnh tranh.

Về phát triển sản phẩm thép dài, tổng công ty cho biết sẽ xây dựng công ty Thép Miền Nam là đơn vị cốt lõi, giữ vững thị phần thép chữ V khu vực phía Nam và xuất khẩu.

Giai đoạn 2020 - 2025 sẽ tăng sản lượng thép chữ V khoảng 1,5 - 2 triệu tấn/năm bằng hình thức đầu tư nhà máy mới hoặc mua bán sáp nhập với modul công suất luyện cán thép 1 - 1,5 triệu tấn/năm. Dự kiến chi phí đầu tư khoảng 7.000 - 10.000 tỷ đồng.

Về sản phẩm thép dẹt, VNSteel sẽ tái cơ cấu các đơn vị, trong đó lấy Tôn Phương Nam làm trọng tâm để tăng công suất lên 1 triệu tấn/năm.

Minh Hằng

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.