VNPT sẽ bán bớt 35% cổ phần khi IPO vào cuối 2019
Tái cơ cấu VNPT trước thời điểm cổ phần hóa vào năm 2019 | |
Cổ phiếu Maritime Bank 'ế ẩm', VNPT lần 2 thoái vốn bất thành |
VNPT sẽ thoái 35% vốn sau IPO. ẢNH TN |
Trao đổi với báo chí về phương án cổ phần hoá chiều nay 25.1, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, tập đoàn này đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số đứng số 1 Việt Nam vào năm 2025 và trung tâm dịch vụ số của khu vực vào năm 2030.
Theo ông Liêm, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông truyến thống được dự báo không tăng trưởng mạnh trong những năm tới, các công ty viễn thông trên thế giới đều phải tìm hướng đi mới.
Để đạt được mục tiêu này, VNPT cần phải đảm bảo doanh thu tăng trưởng 8 - 12% hàng năm. Trong đó, dịch vụ số, dịch vụ công nghệ thông tin phải chiếm tỷ trọng từ 25% - 30% trong tổng doanh thu. VNPT cũng đã đề nghị thành lập Công ty công nghệ thông tin VNPT-IT trực thuộc VNPT để tập trung phát triển dịch vụ số.
Trước đó, VNPT từng không đạt được mục tiêu cổ phần hoá với nhiều doanh nghiệp thành viên. Theo ông Liêm, với các công ty VNPT khó thoái vốn sẽ tính đến phương án chuyển sang Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước (SCIC) quản lý.
Về việc vệ tinh Vinasat-2 thua lỗ khi không khai thác hết công suất, ông Liêm cho rằng việc đánh giá lỗ lãi cần đặt trong tổng thể, đặc biệt khi phóng vệ tinh Vinasat-2 có nhiều ý nghĩa về mặt chủ quyền, phát triển.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2129/QĐ-TTg về việc phê duyệt Phương án cơ cấu lại VNPT giai đoạn 2018 - 2020.
Theo đó, VNPT thực hiện cơ cấu lại các mảng kinh doanh quốc tế và kỹ thuật quốc tế hiện đang chồng chéo trong chuỗi giá trị. Mảng kỹ thuật sẽ chuyển về Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT – Net), còn mảng kinh doanh chuyển về VinaPhone.
Đặc biệt, VNPT Global sẽ được thành lập sau khi cổ phần hóa để quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài. VNPT Global giải quyết các vấn đề pháp lý trong quá trình mở rộng thị trường, bao gồm cả việc mua bán và sáp nhập ở nước ngoài.