VN-Index lập đỉnh lịch sử, cổ phiếu nào đắt giá nhất thị trường?
Cổ phiếu nào là tâm điểm trong đà tăng của VN-Index? (ảnh minh họa) |
Phiên giao dịch ngày 20/11 vừa qua, VN-Index đón nhận dấu mốc lịch sử khi vượt ngưỡng 900 điểm, tái hiện mốc này sau 10 năm kể từ thời điểm tháng 12/2017.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/11, VN-Index đạt 918,3 điểm, tăng 14,75 điểm so với phiên trước. Tính từ thời điểm đầu tháng 11, VN-Index tăng trưởng vượt bậc. Đóng góp phần lớn vào sự hưng phấn của VN-Index là trụ cột từ nhóm vốn hoá lớn. Tính từ đầu năm tới nay, VN-Index đã tăng tới 38%.
Đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 21/11, cả 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường đều tăng điểm. Trong đó VRE đạt giá trần với dư mua trần lên tới gần 1 triệu đơn vị.
Top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường cao nhất trên HOSE (Tính theo ngày 21/11/2017) |
Trong top vốn hóa thị trường cao nhất, hiện VNM và VIC là hai mã đang có vốn hóa trên 200.000 tỷ đồng. Trong khi VNM có vốn hóa hơn 272.000 tỷ đồng (tương đương với gần 12 tỷ USD) và là mã có giá trị vốn hóa trên 10 tỷ USD duy nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chiếm đến hơn 11% tổng giá trị vốn hóa của toàn thị trường. Gần sát với VNM, VIC có vốn hóa gần 203.000 tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD).
VNM đã có quãng thời gian đi ngang từ tháng 5 cho đến cuối tháng 10 trước khi có thông tin thoái vốn chính thức từ SCIC. Sau khi thông tin thoái vốn được công bố, giá cổ phiếu VNM tăng chóng mặt, có thời điểm lên gần 200.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên 21/11, VNM đạt 189.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 28% so với thời điểm cuối tháng 10.
Ghi nhận trong tháng 11, VNM nhiều phiên liên tiếp được khối ngoại mua ròng với khối lượng giao dịch thỏa thuận ở mức rất cao, trở thành động lực chính giúp VNM thăng hoa trong giai đoạn vừa qua.
Diễn biến giá cổ phiếu VNM từ tháng 9 đến nay (nguồn: VNDirect) |
VIC sau sự kiên VRE lên sàn đã tăng trưởng vượt bậc và liên tục đạt đỉnh giá mới. Tính đến kết phiên giao dịch ngày 21/11, VIC đạt 77.000 đồng/cổ phiếu. Tăng tới 80% so với thời điểm cuối tháng 8. VRE cũng như vậy khi luôn là cơn sốt trong mỗi phiên giao dịch kể từ ngày lên sàn. Hiện giá cổ phiếu VRE là 51.000 đồng/cổ phiếu. Ghi nhận từ những phiên tăng mạnh vừa qua VRE đã có vốn hóa vượt ROS.
Xét trên giao dịch thỏa thuận từ khối ngoại, giống như VNM thì VRE cũng là mã được quân tâm rất lớn. Đặc biệt ở phiên giao dịch ngày 7/11, VRE là nhân tố chủ lực trong phiên giao dịch từ khối ngoại đi vào lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam khi đạt giá trị mua ròng lên tới hơn 5.500 tỷ đồng trên tổng số 5.700 tỷ đồng giá trị mua ròng từ khối ngoại vào phiên giao dịch này.
Diễn biến giá cổ phiếu VIC từ tháng 8 đến nay (nguồn: VNDirect) |
Giống như vậy, SAB, VCB cũng đồng loạt đạt đỉnh giá mới trong lịch sử trong phiên giao dịch ngày 21/11. Ghi nhận, SAB có thời điểm tăng rất sát với giá trần, nếu như đạt được mức giá này SAB sẽ trở thành cổ phiếu đầu tiên trên thị trường thời điểm hiện tại đạt được thị giá 300.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên xét về thanh khoản thì SAB lại không phải cổ phiếu có mức thanh khoản cao so với các mã vốn hóa lớn khác khi luôn duy trì vài chục nghìn đến hơn 100 nghìn cổ phiếu mỗi phiên.
VCB ghi nhận đà tăng từ tháng 10 đến nay, kết phiên giao dịch ngày 21/11 đạt 46.700 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 25% so với thời điểm đầu tháng 10. Theo kế hoạch trong năm 2017, Vietcombank sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông và trong tháng 1/2018, sẽ thoái vốn khỏi MBBank (MBB) và Eximbank (EIB). Tính theo giá thị trường hiện tại thì khoản đầu tư vào MBB và EIB đã tăng hơn 2.300 tỷ đồng so với giá vốn.
Tương tự nhóm thoái vốn tại SCIC như FPT, VNM hay BMP, giá cổ phiếu tăng vọt sau khi thông tin được đưa ra. VCB cũng được giới đầu tư kì vọng sẽ còn tăng trưởng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Cùng thuộc nhóm ngân hàng, BID ghi nhận tăng mạnh từ thời điểm tháng 10 đến nay khi tăng gần 25%, tương tự CTG cũng tăng hơn 17%.
Một cái tên khác không thể không nhắc tới trong đà tăng của VN-Index là GAS, tăng mạnh mẽ từ thời điểm giữa tháng 8. Với thị giá hiện tại là 81.000 đồng/cổ phiếu thì GAS tăng gần 38% so với thời điểm trên.
Với PLX, đó là một câu chuyện đôi chút khác biệt khi cổ phiếu này có xu hướng giảm từ thời điểm cuối tháng 6 sau khi tăng mạnh từ thời điểm chào sàn. Giai đoạn từ đầu tháng 11 đến nay, PLX phục hồi và tăng trở lại, song hành cùng đà tăng của dòng dầu khí và đóng góp không nhỏ vào thị trường chung.
Ngoài top 10 những cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất, các mã khác như FPT, MWG, BMP cũng là những mã đóng góp tích cực trong thời gian vừa qua. Trong đó, MWG vẫn duy trì đà tăng chóng mặt từ giai đoạn đầu năm 2016. FPT cùng với BMP tăng nhờ thông tin thoái vốn từ SCIC. Tính riêng trong tháng 11, bộ ba này tăng lần lượt là MWG (13%), FPT (12%) và BMP (29%).