|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VNG tiếp tục 'còng lưng' gánh lỗ cho Zalo Pay, bất chấp mục tiêu doanh thu vượt mốc 10.000 tỷ đồng trong năm nay

08:33 | 12/06/2022
Chia sẻ
Trước đó, năm 2021 VNG cũng đặt kế hoạch lỗ 619 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ lỗ 71 tỷ đồng.

Theo tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vừa được công bố, CTCP VNG đặt mục tiêu doanh thu dự kiến 10.178 tỷ đồng. Phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 311 tỷ đồng và lỗ sau thuế dự kiến 993 tỷ đồng.

Như vậy, hai năm liên tiếp VNG đặt kế hoạch lỗ đậm. Trước đó năm 2021, VNG cũng đặt kế hoạch lỗ 619 tỷ đồng nhưng thực tế cuối năm, theo báo cáo, lỗ sau thuế của công ty này dừng ở con số 71 tỷ đồng.

 

Năm ngoái, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của VNG đạt 414 tỷ đồng, song lỗ sau thuế của cổ đông không kiểm soát là 485 tỷ đồng, điều này được nhận định là có thể do khoản đầu tư vào Zion - đơn vị sở hữu ví điện tử Zalo Pay. Hiện VNG đang nắm giữ gần 60% cổ phần của Zion.

Phần lỗ cổ đông không kiểm soát tương ứng với 40% mức lỗ trong năm 2021 của Zion. Dẫn tới, Zion đã lỗ khoảng 1.213 tỷ đồng trong năm ngoái. Trước đó, năm 2020, đơn vị này cũng lỗ tới 666 tỷ đồng. Do vậy, kế hoạch đặt lỗ nặng trong năm nay của VNG nhiều khả năng đến từ Zion.

Ngoài Zion, các mảng kinh doanh chính của VNG trong năm ngoái như dịch vụ trò chơi, quảng cáo trực tuyến,… đều ghi nhận mức tăng trưởng.

Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của VNG tăng 18% lên 9.278 tỷ đồng. Tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty là 4.930 tỷ đồng, chiếm 53% cơ cấu tài sản.

Cuối năm ngoái, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho hay VNG đang đang tìm kiếm cơ hội kêu gọi thêm từ 200 triệu USD đến 300 triệu USD từ cả các nhà đầu tư mới và nhà đầu tư hiện hữu, trước khi IPO tại Mỹ.

Số vốn mới kêu gọi sẽ được dùng để củng cố kế hoạch mở rộng. Hồi tháng 8, Bloomberg đưa tin VNG đang cân nhắc kế hoạch gọi vốn bằng cách niêm yết tại Mỹ thông qua sáp nhập với một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng. Giá trị thương vụ này có thể dao động trong khoảng từ 2 tỷ USD đến 3 tỷ USD.

Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, VNG có thể lại đang thiên về hướng thực hiện niêm yết thông qua hình thức IPO truyền thống. Đây là cách thức mà VNG đã nghiên cứu từ ít nhất là năm 2017 khi VNG ký một thoả thuận ghi nhớ với sàn Nasdaq (Mỹ). Nguồn tin cho biết VNG đang tái cấu trúc mô hình kinh doanh của mình để có thể niêm yết tại Mỹ dễ dàng hơn.

Theo Bloomberg, những thảo luận xung quanh vấn đề gọi vốn nói trên vẫn có thể sẽ thay đổi. Về phần mình, đại diện VNG nói việc công ty tích cực tương tác với các nhà đầu tư và các bên liên quan là một hoạt động kinh doanh thường xuyên. VNG từ chối đưa ra bình luận chi tiết hơn.

Chí Dũng

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.