VNDirect: Xuất khẩu vật liệu xây dựng suy giảm do nhu cầu toàn cầu yếu
Báo cáo cập nhật triển vọng ngành Vật liệu xây dựng của Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho rằng xuất khẩu vật liệu xây dựng đã và đang suy giảm do nhu cầu toàn cầu yếu.
Theo VNDircet, trong tháng 10/2022, chỉ số đo lường tình trạng hoạt động kinh tế của ngành sản xuất (PMI) toàn cầu ghi nhận mức thấp nhất (49,4) trong hai năm. Điều này đồng nghĩa với việc các đơn đặt hàng mới thấp, báo hiệu hoạt động sản xuất công nghiệp và nhu cầu thép sẽ giảm trong thời gian tới.
Ngành ô tô (lĩnh vực thường chiếm khoảng 10 - 15% nhu cầu thép toàn cầu) vẫn đang phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự bùng phát trở lại của COVID-19 tại Trung Quốc.
Kết quả là doanh số bán ô tô toàn cầu trong năm 2022 cũng đang thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của giai đoạn 2013 - 2019. Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu cũng khiến giá bán thép giảm rõ rệt ở hầu hết các thị trường, đặc biệt là các sản phẩm thép dẹt như thép cuộn cán nóng (HRC).
Sự sụt giảm của nhu cầu vật liệu xây dựng tại Trung Quốc trong năm 2022 đã phản ánh các đợt phong tỏa mới do COVID-19 ở nhiều thành phố từ quý II/2022 và sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản dân cư.
Lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục suy yếu trong suốt năm 2022 và quý I/2023. Khởi công xây dựng nhà ở trong 8 tháng năm 2022 đã giảm 21% so với cùng kỳ. Trong tháng 8/2022, trung bình giá nhà tại 70 thành phố lớn và trung bình tại Trung Quốc cũng đã ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ tháng thứ 12 liên tiếp.
Đầu tư cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc đã tăng đáng kể trong năm nay với hơn 90% khoản thu trái phiếu có mục đích phát hành đặc biệt của chính quyền địa phương (500 tỷ USD) đã được phân bổ trong nửa đầu năm 2022.
Trong tháng 10/2022, đầu tư cơ sở hạ tầng Trung Quốc (trung bình 3 tháng) đã tăng 15% so với cùng kỳ. VNDirect cho rằng khoản chi này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động xây dựng trong quý IV/2022 và 2023, giảm phần nào áp lực từ sự ảm đạm của thị trường bất động sản tại quốc gia tỷ dân.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2018 và chiếm 54% tổng sản lượng xuất khẩu xi măng năm 2021.
Do đó, nhu cầu xây dựng yếu đi tại Trung Quốc đã khiến ngành xi măng Việt Nam gặp khó kể từ tháng 5/2022. Trong 10 tháng năm 2022, sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam đã giảm mạnh 30% so với cùng kỳ và chỉ đạt 26 triệu tấn.
Nhu cầu xây dựng yếu cũng được ghi nhận tại các thị trường xuất khẩu thép chính của Việt Nam là EU và Mỹ kể từ tháng 5/2022 do lạm phát cao khiến nhu cầu bất động sản giảm và ( sản xuất công nghiệp yếu do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và năng lượng. Trong 10 tháng năm 2022, sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam đã giảm 37% so với cùng kỳ.
VNDirect cho rằng hoạt động xuất khẩu thép và xi măng của Việt Nam vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng tới, trước khi tình hình được cải thiện trong nửa cuối năm 2023. Kỳ vọng này đến từ việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, các lệnh giãn cách xã hội có dấu hiệu được nới lỏng và các gói cứu trợ lĩnh vực bất động sản dần có hiệu lực ở Trung Quốc và sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi khi tình trạng thiếu hụt năng lượng dần được kiểm soát.