|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VNDirect: Năm 2023 sẽ là một năm khó khăn với Vietcombank về góc độ NIM

08:53 | 11/11/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia VNDirect dự báo tăng trưởng lợi nhuận Vietcombank sẽ chậm lại trong giai đoạn 2023-2024 khi lãi suất huy động tăng gây áp lực tăng chi phí vốn và giảm NIM.

Trong báo cáo mới đây,Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) sẽ chậm lại trong giai đoạn 2023 – 2024 do tăng trưởng tín dụng giảm và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) suy yếu. 

Các chuyên gia phân tích cho rằng NIM của Vietcombank có thể sẽ giảm từ 3,25% trong năm 2022 xuống 3,10% trong giai đoạn 2023-2024 do ngân hàng không có quá nhiều dư địa để bù đắp áp lực từ lãi suất huy động và chi phí vốn tăng dẫu cho vẫn đang duy trì được tỷ lệ CASA ở mức tốt.

Trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng đã tăng NIM lên 3,4% so với cùng kỳ, nhờ nền NIM thấp do ngân hàng đã hỗ trợ lãi suất cho nhiều khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong năm 2021 và tỷ lệ CASA duy trì ở mức cao kể từ khi triển khai chiến dịch “zero fee”.

Bên cạnh đó, giống như các ngân hàng quốc doanh khác, Vietcombank không tăng lãi suất huy động cho đến sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng lãi suất điều hành.

 

Tỷ lệ CASA của Vietcombank đã cải thiện lên 0,16 điểm % kể từ đầu năm so với mức giảm ở nhiều ngân hàng khác. Kết hợp với việc lãi suất huy động tăng muộn, chi phí vốn (COF) trong 9 tháng đã giảm 0,03 điểm % so với cùng kỳ.

Trong khi đó, lợi suất sinh lời trên tài sản đã cải thiện 0,14 điểm %, do Vietcombank không còn phải hỗ trợ lãi suất nhiều cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như năm 2021 và ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tỷ trọng cho vay bán lẻ.

Tuy nhiên, VNDirect dự báo năm 2023 sắp tới sẽ là một năm khó khăn với Vietcombank (và ngành ngân hàng nói chung) từ góc độ NIM. Việc lãi suất huy động tăng nóng sẽ gây áp lực tăng đối với COF và áp lực giảm đối với NIM khi lãi suất cho vay sẽ khó có thể tăng đủ cao để bù đắp.

Về tăng trưởng tín dụng, các chuyên gia phân tích kỳ vọng tăng trưởng cho vay sẽ giảm từ 18% trong 2022 xuống 12% trong 2023 - 2024, ngang với kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống.

Việc tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) tăng và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức trung bình (9,56% cuối quý II/2022) sẽ là những hạn chế nhất định lên khả năng tăng trưởng tín dụng của Vietcombank, báo cáo viết.

Cuối quý III/2022, dư nợ cho vay của Vietcombank đã tăng 2,7% so với quý trước và 17,6% kể từ đầu năm, cao hơn mức trung bình ngành là 13%. Trong năm nay, Vietcombank được cấp hạn mức tín dụng 18,6%, một trong những mức cao nhất hệ thống cùng với VPBank, MB và HDBank.

Theo VNDirect, dự kiến mỗi ngân hàng trong nhóm 4 ngân hàng này sẽ tiếp nhận một tổ chức tín dụng đang chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN. 

Ngoài ra, tiền gửi khách hàng tăng 0,1% so với quý trước và 5,4% kể từ đầu năm, ở mức trung bình của ngành trong bối cảnh thanh khoản đang gặp căng thẳng. Theo các chuyên gia, khoản nợ Chính phủ và NHNN cũng như là tiền gửi và tiền vay từ các tổ chức tín dụng khác đã tăng đáng kể từ đầu năm ở mức 892% và 64%, giúp cân đối tăng trưởng tín dụng vượt bậc của Vietcombank.

Đối với thu nhập ngoài lãi, VNDirect kỳ vọng sẽ tăng 11,8%/12,4% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2023-2024, giảm từ 19,2% trong năm 2022 chủ yếu do kỳ vọng thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối sẽ tăng trưởng chậm lại do nền cao. Phí dịch vụ quay về tăng trưởng dương sẽ là một điểm cộng cho thu nhập ngoài lãi. 

Về trích lập dự phòng, chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm của Vietcombank giảm nhẹ so với cùng kỳ, về mức 7.800 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ chi phí dự phòng trên dư nợ cho vay là 0,98% (giảm so với mức 1,2% cùng kỳ năm trước). Chuyên gia cho biết ngân hàng thường trích lập dự phòng nhiều nhất vào quý cuối năm.

Trong năm 2023, ngân hàng sẽ tiếp tục thận trọng việc trích lập dự phòng khi tình hình chất lượng tài sản ngày càng khó lường. Giai đoạn 2023-2024, Vietcombank được kỳ vọng vẫn sẽ duy trì mức trích lập dự phòng trên tỷ lệ cho vay ở mức cao là 1,2%/1,05% so với 1,4% trong năm 2022.

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của ngân hàng vẫn đang được kiểm soát ở mức thấp 0,8% vào cuối quý III trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đã giảm từ mức cao kỷ lục là 504% vào quý II xuống 402% trong quý III/2022.

 

Huyen Vi