VND sẽ đối mặt với áp lực giảm giá trong thời gian tới?
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô vừa công bố, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết phần lớn đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á đã giảm giá so với USD trong 10 tháng đầu năm 2021. Song, chỉ có VND và nhân dân tệ là các đồng tiền tăng giá so với USD.
Đáng chú ý, trong cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra vào đầu tháng 11, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có quyết định chính thức về việc thu hẹp quy mô của gói nới lỏng định lượng bắt đầu ngay từ tháng 11/2021.
Các chuyên gia của BVSC nhận định việc Fed giảm bơm đồng USD ra ngoài sẽ giúp đồng tiền này tăng giá và gây ra áp lực giảm giá đối với các đồng tiền khác, bao gồm VND. Theo đó, VND mất giá có thể là một rủi ro cần phải theo dõi trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, tính tới cuối tháng 10, trong khi tỷ giá trung tâm giảm 0,13% so với cuối tháng 9, tỷ giá USD/VND giao dịch thực tế tại ngân hàng thương mại tăng nhẹ 3 đồng/USD, tương đương với 0,01%.
So với đầu năm, tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại đã giảm 1,48%, có thời điểm giảm xuống mức 22.748 VND/USD, thấp nhất kể từ đầu năm tới nay, và tiếp tục thấp hơn tỷ giá trung tâm (22.756 VND/USD và 23.131 VND/USD) tính tới ngày 29/10/2021.
Về tình tình lãi suất, tính tới cuối tháng 10, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã tiếp tục giảm 0,06 điểm % xuống còn 5,5%. So với cùng kỳ, lãi suất huy động đã giảm 0,57 điểm % và cũng thấp hơn 0,3 điểm % so với cuối năm 2020.
Theo BVSC, mức lạm phát thấp trong 10 tháng đầu năm là một yếu tố tích cực, cho phép Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế hồi phục trong những tháng cuối cùng của năm, đặc biệt khi nhiều tỉnh thành phố mới chỉ bắt đầu nới lỏng lệnh giãn cách từ đầu tháng 10.
"Do đó, lãi suất ngân hàng sẽ duy trì ở mức thấp trong các tháng còn lại của năm", các chuyên gia đánh giá.
Về dư nợ tín dụng, tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 7/10/2021 đạt mức 7,42%. Theo quan sát từ năm 2020, chỉ trong 3 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã tăng từ 6% lên trên 12%. Do đó, nhóm phân tích cho rằng khi nền kinh tế hoạt động trở lại, nhu cầu tín dụng tăng lên, dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn. Con số tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2021 mà BVSC đưa ra là 13%.