Vĩnh Phúc được định hướng là trung tâm sản xuất ôtô cao cấp
Ngày 6/2, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đặt mục tiêu 6 năm nữa tỉnh sẽ đạt tiêu chí đô thị loại 1, làm tiền đề trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Năm 2030, Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người. Tốc độ bình quân từ nay đến 2030 đạt 10,5-11%/năm; GRDP bình quân đầu người 325 triệu đồng năm 2030.
Tầm nhìn đến 2050, Vĩnh Phúc sẽ là thành phố trực thuộc trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng. Tỉnh sẽ phát triển toàn diện tất cả các mặt từ kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng sống cao, hạnh phúc.
Vĩnh Phúc sẽ phát triển các dòng ôtô cao cấp, môtô và sản xuất linh kiện phụ tùng phục vụ trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm cơ khí chế tạo phục vụ công nghiệp, nông nghiệp được khuyến khích phát triển. Tỉnh cũng chú trọng phát triển các ngành công nghiệp khác như sản xuất sản phẩm điện tử, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại.
Khoa học công nghệ sẽ được ứng dụng mạnh mẽ để đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao thu nhập người dân.
Ngoài ra, ngành chế biến thực phẩm, đồ uống như phát triển dự án chế biến thịt bò, lợn; sản phẩm sữa gắn với chăn nuôi bò cũng được chú trọng. Ngành du lịch là mũi nhọn của tỉnh theo hướng "dịch vụ chất lượng, sản phẩm khác biệt, hiệu quả bền vững"; khai thác hiệu quả sân golf, thể thao, giải trí...
Nguồn vốn đầu tư công ưu tiên cho các dự án trọng điểm, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), tăng xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động vốn.
Vĩnh Phúc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ thủ đô Hà Nội, gần sân bay Nội Bài. Đây là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng sông Hồng. Tỉnh thành lập năm 1950 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Năm 1968, Vĩnh Phúc sáp nhập với Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. 30 năm sau, Vĩnh Phúc được tái lập. Năm 2008, khi Hà Nội mở rộng, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh phúc được chuyển về thủ đô.
Tỉnh có diện tích 1.230 km2, dân số 1,2 triệu, phía bắc giáp Tuyên Quang, Thái Nguyên; phía tây giáp Phú Thọ; phía nam và đông giáp Hà Nội. 9 đơn vị hành chính thuộc tỉnh gồm hai thành phố, 7 huyện, 136 xã, phường, thị trấn. Năm 2023, tốc độ tăng GRDP Vĩnh Phúc đạt 2,37%, quy mô 158.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 130,5 triệu đồng.