|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ba lần 'hà hơi tiếp sức' của Chính phủ đối với ngành sản xuất ô tô trong nước

11:09 | 14/06/2023
Chia sẻ
Tác động của chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với ngành ô tô đến đâu nhìn từ bài học lịch sử.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô trong nước, theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chính phủ nhất trí với kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước.

Như vậy, nếu chính thức được thông qua, đây là lần giảm phí trước bạ thứ 3 tại Việt Nam. Trước đó, đã có hai lần Chính phủ đồng ý giảm 50% thuế trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước là 28/6/2020 - 31/12/2020 và 1/12/2021 - 31/5/2022. 

Vậy việc giảm lệ phí trước bạ có ý nghĩa như thế nào đối với ngành ô tô trong bối cảnh kinh tế khó khăn? Để trả lời cho câu hỏi này, người viết đã tìm lại số liệu từ hai lần giảm trước và ý kiến đánh giá của các chuyên gia.

Kinh nghiệm từ quá khứ

Hết quý I/2020, Bộ Công Thương khi ấy cho biết sản xuất ô tô là một trong những ngành công nghiệp chịu tác động lớn do dịch bệnh. Hầu hết các hãng xe có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam đều phải thông báo tạm dừng sản xuất.

Thị trường ô tô Hà Nội gần như đóng băng khi các đại lý, showroom ô tô đóng cửa và chỉ duy trì qua kênh trực tuyến, sức mua xe giảm mạnh. Trong khi Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết doanh số trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 107.183 xe, giảm 30,5% so với cùng kỳ và đây là mức thấp nhất trong 5 năm qua. VAMA dự báo doanh số bán hàng trong năm có thể giảm tới 15%.

Trước bối cảnh trên, đề xuất giảm 50% phí trước bạ lần thứ nhất đã được thông qua. Thời gian áp dụng từ 28/6/2020 tới 31/12/2020. Phạm vi áp dụng là ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, nhờ đó, phí trước bạ đối với ô tô nội giảm từ 15 triệu đến gần 300 triệu đồng, tùy dòng xe và thương hiệu.

Chính việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe nội khiến các nhà nhập khẩu ô tô ngoại buộc phải giảm giá tương ứng để cạnh tranh, thậm chí có mẫu xe giảm đến 100% phí trước bạ, tương đương với mức giảm từ vài trăm triệu gần 900 triệu đồng… giúp thị trường ô tô Việt Nam nửa cuối năm doanh số bán xe tháng sau cao hơn tháng trước.

Kết quả, trong tháng 9/2020, thị trường ô tô Việt Nam đạt doanh số 27.252 xe, tăng 32%; tháng 10 đạt 33.254 xe, tăng 22% và tháng 11 đạt con số kỷ lục trong năm với 36.359 xe được tiêu thụ, tăng 9% so với tháng trước đó.

 Thay đổi doanh số bán ô tô theo tháng trước và sau áp dụng chính sách năm 2020. (Nguồn: VAMA. Đồ hoạ: Yuanta).

Tuy nhiên, tình hình thị trường ô tô cũng chỉ khả quan nửa cuối năm 2020, bước sang năm 2021, đối mặt với làn sóng COVID-19 lần thứ 4, lượng xe bán ra theo báo cáo của VAMA đã giảm 32% xuống hơn 16.000 xe trong 7 tháng đầu năm.

Trước bối cảnh này, tháng 5/2021, VAMA tiếp tục đề xuất tiếp tục miễn giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô đăng ký mới, song đã bị Bộ Tài chính bác bỏ. Đến ngày 23/7, CTCP Thành Công Motor Việt Nam (TC Motor) đã có công văn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ngày 26/11/2021, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành. Đợt giảm phí trước bạ lần thứ hai chính thức có hiệu lực từ 1/12/2021 đến 31/5/2022.

Kết quả, theo VAMA tính đến hết tháng 5/2022, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt tăng 39% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 47%, xe nhập khẩu tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cộng dồn 6 tháng áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ, thị trường ô tô Việt đã tiêu thụ 223.440 chiếc. Tính cả số lượng xe của VinFast và TC Motor thì tổng cộng tiêu thụ 280.618 xe. Như vậy trung bình mỗi phút thị trường tiêu thị 1,1 chiếc.

Có thể thấy, chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã thúc đẩy thị trường ô tô trở nên nhộn nhịp hơn.

Những thay đổi doanh số bán ô tô theo tháng trước và sau áp dụng chính sách năm 2022. (Nguồn: VAMA. Đồ hoạ: Yuanta).

Chuyên gia nói gì?

Đánh giá về hai lần giảm phí trước bạ này, báo cáo từ Yuanta trích nhận định của VAMA cho biết doanh số ô tô lắp ráp trong nước hầu như tăng mạnh vượt trội so với xe ô tô nhập khẩu ngay sau khi áp dụng chính sách giảm 50% thuế trước bạ. Tính riêng đối với xe lắp ráp/sản xuất trong nước, doanh số trung bình tăng khoảng 30-60% so với các tháng không áp dụng chính sách giảm thuế trước bạ.

Yuanta cho biết do tác động từ kinh tế vĩ mô cũng như lãi suất vay tăng cao, tổng doanh số ô tô 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 92.800 chiếc, giảm 30% so với cùng kỳ. Trong đó, xe lắp ráp trong nước bị ảnh hưởng mạnh hơn, đạt 50.000 chiếc giảm 39%; xe nhập khẩu đạt 42.800 chiếc giảm 16% so với cùng kỳ. 

Do đó, báo cáo đánh giá “kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ lần này kỳ vọng vọng sau khi chính thức được thông qua sẽ tác động tích cực đến doanh số ô tô lắp ráp trong nước”.

Quan điểm trên cũng phù hợp với nhận định của Bộ Công Thương. Bộ này cho hay thị trường ô tô giảm sụt mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm ô tô. 

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp thì sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường ô tô tăng trưởng trở lại một cách ổn định và bền vững.

 Khách hàng trải nghiệm ô tô sản xuất trong nước. (Ảnh: Thiên Trường).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết giai đoạn 2020 - 2021 khi Chính phủ đồng ý giảm lệ phí trước bạ nhiều người tỏ ra lo ngại thu ngân sách sụt giảm. 

Tuy nhiên, thực tế lại trước ngược hoàn toàn, thu ngân sách tăng lên nhờ doanh số bán ô tô được cải thiện. Ông Hải nói thêm trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất ô tô đang gặp rất nhiều ô tô, nhiều doanh nghiệp đứng trước ranh giới “sống còn”.

Nếu không có sự “tiếp sức” từ chính sách của các cấp chính quyền thì nhiều doanh nghiệp chưa chắc giữ được hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Chính vì vậy, Bộ Công Thương ủng hộ quan điểm giảm lệ phí trước bạ để hỗ trợ doanh nghiệp. 

Trả lời trên tờ TTXVN, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng cơ quan chức năng muốn có nguồn thu phải nuôi dưỡng và tạo nguồn thu bởi trong bối cảnh hiện nay để phí và giá cao người dân sẽ không có tiền mua. 

Do đó, việc giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sẽ kích thích được nhu cầu của người tiêu dùng, qua đó đẩy mạnh được sản xuất, lưu thông hàng hóa, khôi phục đà tăng trưởng và có nguồn thu trở lại.

Thiên Trường