Vingroup xin giảm thuế, phí để sản xuất ôtô điện, mục tiêu 2021 xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2019 diễn ra sáng nay (23/12), ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup - Công ty CP cho biết, năm 2020 Vinfast sẽ nghiên cứu và dự kiến đưa ra thị trường 4 mẫu xe máy điện mới và 2 mẫu xe ôtô điện mới. Mục tiêu đến năm 2021 Vinfast sẽ xuất khẩu ô tô điện sang thị trường Mỹ.
Ông Quang cũng cho biết, hiện Vinfast đã dừng sản xuất xe điện chạy pin ắc qui, chuyển sang sử dụng pin platinum để bảo vệ môi trường.
Tổng Giám đốc Vingroup cũng nhìn nhận, doanh nghiệp này đi theo hướng đi mới là công nghệ, công nghiệp nên đối mặt với nhiều khó khăn.
"Mục tiêu sản xuất xe điện và bán rộng rãi ra thế giới, đó là mục tiêu dài hạn của chúng tôi. Hướng sản xuất ôtô điện và xe máy điện của Vingroup sẽ phải đối mặt với khó khăn. Thời gian qua, Vingroup đã dần rút khỏi các mảng bán lẻ, nông nghiệp để giải phóng nguồn lực cho hệ thống, tập trung cho mảng công nghệ và công nghiệp.
Ngay cả trên thế giới, những thương hiệu ôtô điện nổi tiếng nhất và có nhiều kinh nghiệm nhất như Tesla cũng mới chỉ có lãi trong thời gian gần đây, sau 10 năm chinh phục thị trường", ông Quang nói.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo Vingorup cũng cho rằng, dù khó khăn nhưng điều gì cần thiết thì vẫn phải làm ngay. "Chúng tôi mong muốn phải làm sao để Việt Nam có tên trên bản đồ các quốc gia sở hữu công nghiệp sản xuất ôtô", ông Quang nhấn mạnh.
CEO Vingoup cho biết rất mong muốn sẽ nhận được chính sách hỗ trợ phù hợp từ Chính phủ, đặc biệt là về thuế, phí để có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ôtô, đặc biệt là ôtô sử dụng động cơ điện.
Ông Quang cho rằng theo kinh nghiệm quốc tế, cần phải có một hệ thống chính sách đồng bộ, khuyến khích cả nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng, cũng như xây dựng một hệ sinh thái thân thiện cho phương tiện chạy điện trong tương lai.
Công nghiệp sản xuất ô tô là ngành mang lại nhiều lợi ích và tính bền vững nhất với các nền kinh tế. Đây là ngành có công nghệ cao, có khả năng dẫn dắt sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, công nghiệp phụ trợ.
"Cụ thể, theo thực tiễn phát triển ngành công nghiệp ôtô thế giới, cứ 1 người làm trong công nghiệp ô tô sẽ tạo ra 7-10 người làm trong các lĩnh vực phụ trợ", ông Quang diễn giải.
Theo ông Quang, để phát triển ngành ôtô trở thành mũi nhọn, có tính bền vững, VinGroup đang nghiên cứu phát triển công nghiệp phụ trợ ngay trong tổ hợp Vinfast.
Đồng thời, Tập đoàn này cũng thành lập các viện nghiên cứu, thiết kế ôtô, viện nghiên cứu ôtô điện, xe máy điện, viện nghiên cứu pin, công nghệ điều khiển xe thông minh tự lái, với mục đích tăng tỉ lệ nội địa hoá, giảm giá thành sản phẩm, từ đó tăng khả năng cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững.