Vingroup sẽ đầu tư vào những đoạn tuyến đường sắt đô thị nào?
Ảnh minh họa: Hanoimoi. |
Tại Hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển" diễn ra ngày 25/6 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã trao bản ghi nhớ với các doanh nghiệp để thực hiện một số dự án lớn trên địa bàn. Trong đó, Vingroup sẽ rót khoảng 100.000 tỷ đồng xây dựng tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, bên cạnh những tuyến đang xây dựng bằng vốn ngân sách.
Như vậy, khi triển khai, đây sẽ là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn vốn tư nhân.
Trao đổi với PV, đại diện Vingroup xác nhận đã đề xuất thành phố cho phép tham gia nghiên cứu đầu tư các đoạn tuyến trong 5 tuyến đường sắt đô thị. Danh sách các đoạn tuyến cụ thể như sau:
Tuyến số 2 (Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình - Vành Đai 2.5 - Hoàng Quốc Việt, đi trên cao và ngầm): Vingroup đề xuất đầu tư đoạn Nội Bài - Nam Thăng Long.
Tuyến số 3 (Trôi - Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai, đi trên cao và ngầm): Vingroup đề xuất đầu tư đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai (Yên Sở) và đoạn Nhổn - Trôi - Sơn Tây.
Tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Đại lộ Thăng Long - Vành đai 4 - Hòa Lạc): Vingroup đề xuất đầu tư đoạn Văn Cao - Vành đai 4 và đoạn Vành đai 4 - Hòa Lạc.
Tuyến số 6 (Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi): Vingroup đề xuất đầu tư nguyên tuyến này.
Tuyến số 8 (Sơn Đồng - Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá): Vingroup đề xuất đầu tư đoạn Sơn Đồng - Mai Dịch và đoạn Mai Dịch - Vành đai 3 - Dương Xá.
Theo đại diện Vingroup, trong danh sách các đoạn tuyến nằm trong quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội mà Thành phố giới thiệu cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức BT, Vingroup xem xét và đề xuất tham gia 5 đoạn tuyến trên với kinh phí đầu tư 100.000 tỷ đồng. Hiện đề xuất này đang chờ Thành phố phê duyệt.
Theo Quy hoạch giao thông tổng thể của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31/03/2016, mạng lưới Metro Hà Nội gồm 8 tuyến với tổng chiều dài 284 km, bao gồm cả các tuyến trên cao và đi ngầm.
8 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050. |
Trong những năm gần đây, Bộ Giao thông Vận tải và TP Hà Nội tập trung triển khai bốn tuyến đường sắt đô thị: số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên), số 2 (Nội Bài - Thượng Đình), số 2A (Cát Linh - Hà Đông) và số 3 (Trôi - Nhổn - Yên Sở) bởi các tuyến này sẽ hình thành trục xương sống của mạng lưới giao thông công cộng Hà Nội. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án này đều rất chậm.
Cụ thể, sau một thời gian triển khai, Tuyến số 1 hiện đang đình trệ. Hai tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội đều do các nhà thầu ngoại đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc triển khai. Hiện cả hai dự án này cũng đều đội vốn và chậm tiến độ.
Trước đó, hồi tháng 2/2017, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về các tuyến đường sắt đô thị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cho biết thành phố đã nhận được đề xuất của 3 tập đoàn lớn trong nước tham gia xây dựng các tuyến metro. Cụ thể là Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xuân Thành.
Như vậy, với việc được UBND TP. Hà Nội trao bản ghi nhớ để thực hiện dự án đường sắt đô thị, Vingroup đã vượt qua Xuân Thành, Lũng Lô... trở thành doanh nghiệp tư nhân nội đầu tiên làm đường sắt đô thị.