|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

VinFast sắp đưa hàng nghìn xe vào Mexico, thị trường này có gì đặc biệt?

09:14 | 05/11/2024
Chia sẻ
Mexico đang nổi lên như một trung tâm sản xuất xe điện đầy tiềm năng nhờ vị trí địa lý thuận lợi, khả năng thu hút đầu tư quốc tế và các ưu đãi từ hiệp định thương mại với Mỹ.

Ngày 4/11, VinFast công bố ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công đoàn Tài xế và Người lao động Durango tại (CTM) Mexico. Thỏa thuận đặt mục tiêu cung cấp 3.000 xe điện VF 5 và 300 xe buýt điện cho hệ thống giao thông công cộng tại Durango, đồng thời hợp tác nghiên cứu và lắp đặt mạng lưới trạm sạc phục vụ cả phương tiện công cộng và cá nhân.

Động thái đánh dấu bước tiến mới của VinFast trong việc mở rộng thị trường. Durango hiện là địa bàn quan trọng của CTM - công đoàn lớn nhất Mexico - với tỷ lệ chi phối khoảng 65% vận tải công cộng tại thành phố, chủ yếu phục vụ đưa đón nhân viên, học sinh và khách du lịch.

CTM được thành lập từ năm 1932. Đây là một trong những đơn vị giao thông công cộng chủ chốt của thành phố, với đội xe hơn 300 xe buýt và 5.000 xe taxi. 

 Trạm sạc xe điện của hãng nội địa VEMO tại Mexico. (Ảnh: Rest of world).

Trong những năm gần đây, Mexico nổi lên như một điểm sáng, thu hút các nhà sản xuất xe điện, đặc biệt là bởi vị trí tiếp giáp với Mỹ. Trong đó, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp ô tô hàng đầu tại đất nước này.

Năm ngoái, Trung Quốc xuất khẩu xe trị giá 4,6 tỷ USD vào Mexico, theo số liệu của Bộ Kinh tế Mexico. Chi phí hợp lý và chiến lược tiếp thị mạnh mẽ là yếu tố quan trọng giúp các hãng xe điện Trung Quốc như BYD chinh phục thị trường này.

Chẳng hạn, mẫu xe Dolphin Mini của BYD được bán tại Mexico với giá khoảng 398.800 peso (tương đương khoảng 21.300 USD), chỉ bằng một nửa so với các mẫu xe Tesla rẻ nhất.

Theo ông Juan Carlos Baker, cựu Thứ trưởng Thương mại quốc tế Mexico, các nhà sản xuất Trung Quốc "đã hiện diện tại Mexico rất mạnh mẽ," với "những sản phẩm chất lượng có mức giá hợp lý". Ngoài ra, các công ty như BYD còn lên kế hoạch xây dựng nhà máy tại các bang Durango, Jalisco và Nuevo Leon ở Mexico, dự kiến sẽ tạo ra khoảng 10.000 việc làm.

Những dự án này không chỉ đóng góp vào nền kinh tế Mexico mà còn cung cấp điểm sản xuất thuận lợi cho xe điện Trung Quốc, có thể gián tiếp đáp ứng nhu cầu của thị trường Mỹ mà không cần đối mặt với mức thuế cao mà Mỹ đã áp đặt lên xe điện Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự tăng cường hiện diện của xe điện Trung Quốc tại Mexico khiến các quan chức Mỹ lo ngại. Ông Scott Paul, Chủ tịch Liên minh sản xuất Mỹ, cho rằng Mexico có thể trở thành "cửa sau" để các nhà sản xuất Trung Quốc xâm nhập vào thị trường Mỹ.

Lý do chính là Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (USMCA) cho phép hàng hóa sản xuất tại Mexico có thể xuất khẩu sang Mỹ mà không bị đánh thuế nếu chúng đáp ứng được yêu cầu về nguồn gốc nguyên liệu địa phương.

Mặc dù việc tuân thủ các tiêu chuẩn của USMCA không phải là điều dễ dàng, nhưng tiềm năng này đã khiến các nhà lập pháp Mỹ lo lắng. Họ cho rằng nếu các hãng xe điện Trung Quốc đặt nhà máy tại Mexico, chi phí sản xuất sẽ giảm, tạo nên áp lực lớn đối với các nhà sản xuất Mỹ vốn đang ở giai đoạn khởi đầu của ngành công nghiệp xe điện.

Ngoài Trung Quốc, các nhà sản xuất xe châu Âu cũng đã nhìn thấy tiềm năng của Mexico. Hãng xe nổi tiếng của Đức - BMW, đã đầu tư khoảng 800 triệu euro vào một nhà máy sản xuất xe điện tại San Luis Potosí, dự kiến sẽ tạo ra 1.000 việc làm và bắt đầu sản xuất xe điện vào năm 2027.

Trước tình hình này, chính phủ Mexico, dưới thời Tổng thống Claudia Sheinbaum, đã công bố kế hoạch phát triển chuỗi cung ứng xe điện trong nước, với mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Bà Sheinbaum nhấn mạnh Mexico sẽ tập trung vào việc tự sản xuất xe điện, thông qua việc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa và kết nối các nhà sản xuất phụ tùng điện với các nhà nghiên cứu Mexico.

Bà cũng cho biết quốc gia này đang phát triển các mẫu xe điện nhỏ gọn tự sản xuất, nhắm đến thị trường xe hai bánh như ở Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này có thể thúc đẩy ngành công nghiệp đồng và lithium của Mexico, hai nguyên liệu cần thiết trong sản xuất xe điện.

Mexico hiện đang thiếu các chính sách hỗ trợ lớn cho việc sử dụng xe điện như ở châu Âu và Mỹ. Nếu không có chính sách quốc gia thúc đẩy xe điện, tỷ lệ thâm nhập của xe điện tại Mexico chỉ có thể đạt 19,1% vào năm 2030, thấp hơn gần một nửa so với mức dự báo nếu có chính sách hỗ trợ.

Việc thiết lập các trạm sạc và giảm bớt lo ngại về phạm vi hoạt động cũng là những yếu tố mà Mexico cần đầu tư để khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang xe điện.

Để vượt qua những thách thức này, một số công ty Mexico như VEMO đã triển khai các chương trình hỗ trợ như sở hữu xe điện qua hình thức thuê mua và phát triển các dịch vụ gọi xe điện. Những giải pháp này sẽ giúp tăng cường sự hiện diện của xe điện trong cuộc sống hàng ngày, giảm bớt mối lo ngại về phạm vi và thời gian sạc điện của người dùng.

 

Thành Vũ