Nikkei: Tất tay vào thị trường Mỹ, VinFast đang cố gắng để trở thành một Tesla tiếp theo
VinFast khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định xâm nhập thị trường xe điện Mỹ. Theo Nikkei, động thái này của VinFast tương đương với việc hãng này đang cố gắng trở thành một Tesla tiếp theo.
VinFast giới thiệu một số mẫu xe điện tại triển lãm công nghệ CES hồi tháng 1 năm nay và đang bắt đầu nhận đặt trước xe. 2 tháng sau đó, VinFast tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất xe điện tại Mỹ vào năm 2024 bằng một nhà máy có vốn đầu tư 2 tỷ USD và công suất 150.000 xe mỗi năm ở North Carolina.
Và rồi, vào đầu tháng này, VinFast nộp hồ sơ thực hiện IPO tại Mỹ và tiết lộ kế hoạch gọi vốn từ Bộ Năng lượng Mỹ trong một nỗ lực để tên tuổi của mình được biết đến nhiều hơn tại thị trường xe lớn thứ 2 thế giới. VinFast đồng thời cho biết đang lên kế hoạch xây nhà máy tại Đức.
Vingroup bắt đầu là một công ty bất động sản tại Việt Nam vào năm 2001 sau khi ông Phạm Nhật Vượng bán công ty xử lý thực phẩm của mình ở Ukraine. Vingroup sau đó mở rộng vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Trong vai trò một nhà sản xuất, có một thời gian ngắn hãng này sản xuất TV và điện thoại thông minh.
Vingroup công bố dấn thân vào ngành xe vào năm 2017 và bắt đầu sản xuất xe động cơ đốt trong tại Hải Phòng vào năm 2019.
Để có thể sản xuất xe sau chỉ hai năm, VinFast tập trung vào hoạt động lắp ráp và mua các nền tảng, động cơ và các kinh kiện khác từ nhiều công ty nước ngoài như BMW, Bosch and General Motors. “Tôi muốn mảng kinh doanh xe thành công không chỉ cho công ty mà còn cho đất nước”, ông Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ.
VinFast nhận được nhiều sự ủng hộ của chính phủ Việt Nam. Chính phủ đưa ra nhiều ưu đãi đối với người mua xe điện sau khi VinFast ra mắt mẫu xe điện đầu tiên vào cuối năm ngoái. Sự ủng hộ của chính phủ Việt Nam và VinFast khiến nhiều người nhớ đến dự án Proton của Malaysia vào năm 1983 để tạio ra một thương hiệu xe quốc gia.
Ông Mahathir Mohamad, thủ tướng Malaysia vào thời điếm đó, đã liên hệ Mitsubishi (Nhật Bản) để tìm kiếm sự hỗ trợ phát triển hãng xe mới và biến xe thành một ngành thúc đẩy công nghệ hoá chủ chốt của Malaysia. Sau đó, Proton gặp phải rắc rối về tài chính và được Zhejiang Geely Holding (Trung Quốc) hỗ trợ thực hiện tái cấu trúc.
VinFast có thể nhận được bài học gì từ câu chuyện của Proton? Sau khi nghiên cứu các động thái của VinFast gần đây, Nikkei cho rằng mục tiêu của VinFast khác với mục tiêu của Proton và Malaysia.
Tại sự kiện CES năm nay, VinFast nói sẽ dừng sản xuất các dòng xe xăng vào cuối năm 2022. Quyết định này là một điều dễ hiểu. Đối với một công ty nhập cuộc trễ như VinFast, tập trung vào xe điện là một cách nhanh hơn để tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế vì xe điện cần ít linh kiện hơn xe truyền thống.
Dù vậy, VinFast vẫn bán được 36.000 xe ở Việt Nam vào năm ngoái. Xét về doanh số, VinFast đứng thứ 4 ở thị trường, xếp sau Hyundai Motor, Toyota Motor và Kia. Mẫu xe Fadil là dòng xe bán chạy nhất ở thị trường nội địa với doanh số 24.000.
Thế nhưng, nếu VinFast lên kế hoạch sớm tập trung vào xe điện, VinFast có cơ sở để quan tâm đến thị trường Mỹ và Châu Âu bởi thị trường Việt Nam cần thêm thời gian để “làm quen” với xe điện. Ban đầu, VinFast muốn tiếp cận thị trường Phương Tây thông qua xuất khẩu song sau đó nhận ra rằng hãng sẽ không thể cạnh tranh trừ khi sản xuất được tại địa phương, Nikkei dẫn nguồn tin thân cận cho biết.
VinFast bán được 6.728 xe ở thị trường nội địa trong 3 tháng đầu năm sau xe điện chỉ chiếm chưa tới 10% con số này. Năm ngoái, VinFast xuất xưởng 30.000 xe. Tuy nhiên, con số này nhiều khả năng sẽ giảm khi VinFast bắt đầu dừng sản xuất xe xăng. Hiện tại, hãng xe này có công suất 250.000 xe/năm.
Vì thế, VinFast không tập trung vào sản xuất xe ở Việt Nam và xây dựng một thương hiệu xe quốc gia.
Chính phủ Việt Nam giảm lệ phí trước bạ cho xe điện xuống còn 0% từ 10% giá xe đồng thời giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện từ 15% xuống còn 3% để khuyến khích xe điện. Vì VinFast hiện là hãng xe điện duy nhất ở thị trường, hãng này sẽ được hưởng lợi. Dù vậy, chính phủ áp dụng các ưu đãi không phân biệt xe nhập khẩu hay sản xuất nội địa. Vì thế, các mức ưu đãi thấp hơn nói trên cũng áp dụng với cả xe điện nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Việt Nam áp dụng 3 loại thuế, phí chính với xe: thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ và thuế giá trị giao tăng. Các loại thuế phí này áp dụng với tất cả các dòng xe dù là nội địa hay nước ngoài. Các dòng xe nhập khẩu chỉ phải chịu thuế nhập khẩu song xe nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á không phải chịu thuế này. Do Việt Nam cũng đang có các hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, Châu Âu, Canada và Mexico, thuế nhập khẩu cũng sẽ giảm từ mốc 70% hiện tại xuống 0% cho tới năm 2030.
Xe nước ngoài đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam và chiếm khoảng 40% doanh số xe bán ra. Với các động thái của chính phủ hiện tại, Việt Nam đang không đi theo con đường của Malaysia và Việt Nam làm theo cách của Úc bằng cách thúc đẩy xuất khẩu các ngành hàng cạnh tranh đổi lại mở rộng thị trường xe.
Dù vậy, Vingroup và Việt Nam đều có chung khát khao tạo ra một thương hiệu sản xuất quy mô quốc tế như biểu tượng của công nghiệp hoá quốc gia. VinFast sẽ vấp phải nhiều khó khăn ở thị trường Mỹ. “Thương hiệu và marketing là vấn đề then chốt, bên cạnh đó là mở rộng kênh phân phối”, Daniel Ives, một nhà phân tích tại Wedbush Secutitiee, nói. “Xe điện đang là một cuộc đua với hơn 100 thương hiệu trên toàn cầu, tất cả đều đuổi theo Tesla”.
Gần 2 thập niên trước, Honda Motor đã bị chế giễu vì quá phụ thuộc vào thị trường Bắc Mỹ. Khi được hỏi về cách nói sẽ tồn tài trước cạnh tranh toàn cầu ngày càng lớn hơn, chủ tịch Honda Motor khi đó là Takeo Fukui cho biết: “Không một hãng xe nào có thể tồn tại trừ khi kiếm được tiền hoặc là ở Bắc Mỹ hoặc là ở thị trường nội địa”. Hiện tại, Trung Quốc cũng nên được bổ sung vào danh sách này vì nó đã vượt Mỹ trở thành thị trường xe lớn nhất thế giới.
VinFast chưa có nhiều kinh nghiệm ở các mảng mà Ives nhắc đến phía trên và cũng chưa có lãi ở Mỹ, Trung Quốc và thậm chí ở Việt Nam.
“Vingroup có vị thế lớn ở nền kinh tế Việt Nam. Nếu khoản đầu tư này ảnh hưởng đến vấn đề kinh doanh của họ, chúng tôi cũng sẽ gặp rắc rối”, một nhân sự tại hãng xe Nhật Bản chia sẻ.