|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinalines dẫn đầu thua lỗ

18:53 | 27/08/2016
Chia sẻ
Theo báo cáo vừa công bố của Kiểm toán Nhà nước, trong số 5 Tập đoàn, Tổng Công ty thua lỗ, Vinalines đứng đầu danh sách với số lỗ lên tới 3.478 nghìn tỉ trong năm 2014.
vinalines dan dau thua lo
Vinalines dẫn đầu về thua lỗ. Ảnh: Vinalines

Ngoài con số thua lỗ 3.478 nghìn tỉ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) còn dẫn đầu trong nhóm các Tập đoàn, Tổng công ty có vốn chủ sở hữu âm, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước tại buổi họp báo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2014 được tổ chức ngày 26/8 tại Hà Nội.

Tổng công ty này góp vốn vào phần lớn các doanh nghiệp có tình trạng tài chính xấu. Cụ thể, Vinalines đã đầu tư vào Vinashin hơn 8.480 tỉ đồng, công ty vận tải Biển Đông 3.403 tỉ, Công ty vận tải Biển Bắc 2.219 tỉ, công ty Vận tải dầu khí Việt Nam 2.114 tỉ cùng hàng loạt các công ty khác.

Trái ngược với số tiền góp vốn "khủng", năm 2014, cổ tức thu được của Vinalines chỉ bằng 0,46% vốn đầu tư. Số liệu Kiểm toán Nhà nước cho biết, 51 trong số 63 công ty do Tổng công ty này đầu tư làm ăn không hiệu.

Công ty vận tải biển Viship lỗ vốn lũy kế hơn vốn đầu tư của chủ sở hữu với tỷ lệ 748,59 tỷ/ 32,1 tỉ, công ty Tiếp vận Biển Đông là 52,8 tỉ/ 10 tỉ.

Công ty mẹ Vinalines cho vay 457,8 tỉ theo chủ trương của Chính phủ. Vinalines cũng bảo lãnh cho các đơn vị kinh doanh thua lỗ hơn 6.204 tỉ đồng, 151,8 triệu USD; 69,2 triệu EUR. Kiểm toán Nhà nước đánh giá các khoản Vinalines cho vay, bảo lãnh ở trên tiềm ẩn nguy cơ khó đòi, mất vốn.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết Vinalines thuộc nhóm quản lý nợ chưa chặt chẽ. Nợ phải thu quá hạn của Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn (thuộc Vinalines) là 313,23 tỉ đồng.

Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ tổng hợp (Kiểm toán Nhà nước) nhận xét: "Hoạt động kinh doanh của nhiều Tập đoàn, Tổng công ty chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dựng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao".

Các công ty con của Vinalines có hệ số nợ trên vốn sở hữu cao nhất trong số các ông ty mắc nợ. Cụ thể, hệ số nợ của Công ty Công nghiệp tàu thủy Cà Mau lên tới 153,92 lần, Công ty Vinalines Đông Đô 40,55 lần; các Công ty MTV Cảng Cái Lân, Công ty MTV Cảng Năm Căn lần lượt là 27,62 lần và 17,69 lần...

Ngoài ra, Vinalines vẫn còn một số công ty chưa góp đủ vốn điều lệ. Vinashin thiếu 1.080,72 tỉ, Công nghiệp tàu thủy Cà Mau thiếu 130,74 tỉ, Công ty dịch vụ hàng hải Hậu Giang 103,13 tỉ.

Các vi phạm khác của Vinalines cũng được Kiểm toán Nhà nước "điểm danh", trong đó phải kể đến 1 dự án của Vinalines phải tạm dừng triển khai gây lãng phí. Một số công ty con của Vinalines chưa tuân thủ quy định về tiền lương và trích vượt quỹ tiền lương. Công ty Vận tải Biển Đông trích vượt quỹ tiền lương 20,75 tỉ đồng.

Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Vinalines không lâp đầy đủ báo cáo. Người đại diện vốn của Tổng công ty này chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Vi phạm sử dụng đất đai không hiệu quả, không đúng mục đích, lấn chiếm tranh chấp, chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý cũng có tên của Vinalines.

Trong số 38 Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty có 5 đơn vị thua lỗ, bao gồm: Vinalines lỗ 3.478,48 tỉ đồng; Tổng công ty 15 lỗ 471,1 tỉ đồng.; Vinaincon lỗ 131,96 tỉ đồng. Tổng công ty Mía đường II lỗ 15,18 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV In Đắk Lắk lỗ 2,95 tỉ đồng.

Minh Tâm