VinaCapital: Phát triển cơ sở hạ tầng sẽ đảm bảo FDI tiếp tục vào Việt Nam, bù đắp cho nền kinh tế khi sản xuất đang chậm lại
Trong báo cáo mới công bố, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital đề cập đến việc Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam đặt mục tiêu gia tăng đầu tư công từ 4%/GDP năm 2022 lên 7%/GDP năm 2023 sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn của đất nước. VinaCapital cho rằng cơ sở hạ tầng mới là cần thiết để giúp đảm bảo rằng dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam trong nhiều năm tới, và các dự án cũng sẽ bù đắp nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam khi hoạt động sản xuất chậm lại.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng khoảng 50% chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong năm nay, từ khoảng 20 tỷ USD năm 2022 lên trên 30 tỷ USD trong năm 2023, so với khoảng 16 tỷ USD chi tiêu trung bình hàng năm cho cơ sở hạ tầng trong 5 năm qua (bao gồm cả năm 2022).
Theo báo cáo, Chính phủ có gần 40 tỷ USD chưa giải ngân được gửi vào các ngân hàng, phần lớn được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng trong những năm qua nhưng chưa được chi tiêu do nhiều vấn đề. Điều này cho thấy Chính phủ có khả năng tài chính để đạt được các mục tiêu chi tiêu trong năm 2023.
Về những nút thắt thủ tục, Chính phủ đã công bố Nghị định 1513 vào ngày 15/12/2022 nhằm đẩy nhanh tiến độ một số dự án, trong đó có đường cao tốc Bắc- Nam vốn đã bị chậm tiến độ kéo dài. Nghị định 1513 quy định rõ ràng về khoản chi 15 tỷ USD “phải” thực hiện vào năm 2023.
VinaCapital cũng cho biết tỷ lệ nợ Chính phủ trên GDP của Việt Nam ở mức dưới 40%, rất thấp so với hầu hết các thị trường mới nổi và phát triển trên thế giới, một phần do Việt Nam chi dưới 2%/GDP cho viện trợ COVID so với mức trung bình 6% ở các thị trường mới nổi.
Về FDI, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng thêm 14% vào năm 2022, lên 22 tỷ USD (hay 6% GDP) và VinaCapital kỳ vọng dòng vốn này sẽ tiếp tục tăng tương tự trong năm nay.