|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Viettel Global (VGI) phấn đấu niêm yết trên HOSE hoặc HNX trước 2026

14:36 | 12/04/2023
Chia sẻ
Viettel Global đặt mục tiêu phấn đấu để niêm yết cổ phiếu VGI trên các sàn HOSE hoặc HNX trong giai đoạn 2023 - 2025.

Bà Nguyễn Thị Hải Lý, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel. (Ảnh: Viettel Global).

Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global – Mã: VGI) đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, dự kiến diễn ra ngày 27/4 tại Hà Nội.

Trong thông điệp gửi đến cổ đông, nhà đầu tư và đối tác ở báo cáo thường niên, bà Nguyễn Thị Hải Lý, Chủ tịch HĐQT Viettel Global, cho rằng: "Lĩnh vực viễn thông trên thế giới đang dần trở nên bão hòa, không gian tăng trưởng ngày càng hạn chế. Trong khi đó, các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin (CNTT), dịch vụ số, nội dung số trên thế giới tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao và phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ."

Rất nhiều sản phẩm, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số phát triển nở rộ, xu thế tối ưu hóa nguồn lực (cơ cấu lại danh mục đầu tư), ưu tiên đầu tư phát triển theo chiều sâu (công nghệ mới và chuyển đổi số) được các hãng viễn thông ngày càng quan tâm, chú trọng.

Do đó, theo bà Hải Lý, phải luôn cải tiến, đổi mới, mở rộng không gian phát triển để đáp ứng được các yêu cầu, thay đổi của thị trường ngày càng khắc nghiệt.

Nhìn lại năm 2022, Chủ tịch Viettel Global nhận định là một năm thách thức với nhiều biến động không thể dự báo trước trên toàn cầu cũng như tại các quốc gia mà Viettel Global đầu tư.

Tuy nhiên, năm 2022, doanh thu hợp nhất của công ty đã vượt 1 tỷ USD (27.329 tỷ đồng), tăng 21% so năm 2021.

Bên cạnh đó, dòng tiền về Việt Nam cao nhất từ trước đến nay, đạt 442,7 triệu USD giúp tỷ lệ hoàn vốn đầu tư của Viettel Global đạt 69,4% và tiếp tục bám sát mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn vốn đầu tư 100%.

Chiến lược chuyển dịch kinh doanh từ dịch vụ viễn thông truyền thống sang các dịch vụ số, CNTT cũng được công ty triển khai mạnh mẽ và thu được những kết quả nhất định, đóng góp vào tăng trưởng của tổng công ty.

 (Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ Báo cáo tài chính kiểm toán của Viettel Global).

Sang năm 2023, các thị trường Viettel Global đang đầu tư được dự báo có mức tăng trưởng GDP khởi sắc và lạm phát thấp hơn năm trước (trừ Tanzania). 

Tại khu vực Châu Phi, dư địa phát triển công nghệ 4G dự báo tiếp tục tăng trưởng trên 30% trong 3-5 năm tới. Còn tại Đông Nam Á và Mỹ La tinh, dịch vụ cố định băng rộng sẽ duy trì tăng trưởng ở mức hai con số giúp Viettel Global duy trì tăng trưởng ở mức cao.

Tuy nhiên, yếu tố tỷ giá dự báo vẫn tiếp tục tăng, là nguyên nhân chính gây sụt giảm lợi nhuận quy đổi chuyển về Việt Nam. 

Trong bối cảnh đó, năm 2023, Viettel Global lên kế hoạch doanh thu 28.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm ngoái và đặt mục tiêu có lãi trước thuế, kỳ vọng tương đương cùng kỳ (năm 2022, công ty lãi trước thuế 3.014 tỷ đồng, lãi ròng 834 tỷ đồng). Công ty cũng đặt mục tiêu tăng thêm hai triệu thuê bao dịch vụ di động và 6 triệu thuê bao số. 

Bên cạnh đó, Viettel Global sẽ tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới, ưu tiên đầu tư phát triển theo chiều sâu (công nghệ số và chuyển đổi số) để duy trì sự tăng trưởng bền vững và hiệu quả.

Trong năm nay, công ty đặt mục tiêu thực hiện M&A thành công tại một thị trường mang lại doanh thu bổ sung khoảng 55 triệu USD (1.200 tỷ đồng) nhằm đẩy nhanh tiến đột thu hồi vốn tại các thị trường đang đầu tư. 

Phấn đấu niêm yết trên sàn trước năm 2026

Báo cáo của Viettel Global cũng cho biết giai đoạn 2022-2025, công ty có kế hoạch hoàn vốn lũy kế 100% (giai đoạn một của giấy phép đầu tư viễn thông đối với tất cả thị trường), song song với việc chuyển đổi từ doanh nghiệp đầu tư viễn thông trở thành doanh nghiệp đầu tư viễn thông – dịch vụ số.

Doanh nghiệp đưa ra mục tiêu trở thành công ty số một về viễn thông và công nghệ tại các thị trường đang đầu tư có hạ tầng CNTT, viễn thông ở mức trung bình – phát triển nhanh. Đối với các thị trường có hạ tầng CNTT- viễn thông còn ở mức thấp, công ty đặc mục tiêu trở thành số một về thị phần doanh thu, thuê bao. 

"Đến năm 2030, chúng tôi hy vọng Viettel Global sẽ trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, dẫn dắt các công ty thị trường trở thành các Big-tech tại các quốc gia đầu tư", bà Hải Lý cho biết. 

Đồng thời, Viettel Global cũng sẽ phát triển theo chiều rộng, xúc tiến đầu tư vào các thị trường khác (tập trung khu vực ASEAN và các nước phát triển (Châu Âu)) và đa dạng hoá các hoạt động M&A để hình thành dòng chảy tuần hoàn hai chiều (mua-bán, thành lập-giải thể).

Doanh nghiệp cũng cho biết sẽ phấn đấu để niêm yết trên các sàn HOSE hoặc HNX trong giai đoạn này. 

Bên cạnh đó, việc xây dựng lộ trình chi trả cổ tức cho cổ đông là một trong những mục tiêu quan trọng của HĐQT Viettel Global trong nhiệm kỳ 2023-2028.  

Đến năm 2028, Viettel Global dự kiến doanh thu đạt khoảng 33.000 - 37.000 tỷ đồng, tăng trưởng trường bình 3-5%/năm và mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng ở mức tương đương.(Nguồn: Viettel Global).

Ngoài ra, dự kiến tại cuộc họp ĐHĐCĐ, Viettel Global cũng sẽ xin ý kiến cổ đông về việc không thực hiện chia cổ tức năm 2022. 

Lý do được công ty đưa ra là năm 2022, công ty mẹ do thực hiện trích lập dự phòng tổn thất đầu tư và nợ phải thu lớn dẫn đến bị lỗ nên không có nguồn lợi nhuận để trích lập các quỹ (báo cáo riêng lẻ của Viettel Global ghi nhận mức lỗ sau thuế 4.413 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, luỹ kế đến cuối năm 2022, lợi nhuận luỹ kế giữ lại của công ty mẹ là gần 6.264 tỷ đồng sẽ được dùng vào các mục đích với nhu cầu vốn đầu tư và lợi ích của cổ đông.

Đăng Nguyên