Viettel chỉ rót 2.000 tỷ, Viettel Global lấy tiền đâu để đầu tư vào Myanmar?
Theo thông tin từ ủy Ban chứng khoán Nhà nước, tổng Công ty Cổ Phần Đầu tư Quốc tế Viettel đã có báo cáo tình hình sử dụng vốn của đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ.
Kết quả, đợt chào bán cổ phiếu của công ty cho công ty mẹ là Tập đoàn Viễn Thông Quân đội (Viettel) đã kết thúc vào ngày 29/03/2016.
Theo kết hoạch, số lượng cổ phiếu mà Viettel Global chào bán là 1 tỷ cổ phiếu, tương đương với giá trị 10 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu thực tế đã bán ra được chỉ 200 triệu cổ phiếu, thu về 2.000 tỷ đồng, chỉ đạt 20% mục tiêu phát hành.
Về mục đích của đợt phát hành vừa rồi, Viettel Global muốn tăng vốn điều lệ từ 12.438 tỷ đồng lên 22.438 tỷ đồng nhằm tăng vốn đầu tư ra nước ngoài. Do đó, sau khi phát hành thì Viettel Global có vốn điều lệ 14.438 tỷ đồng .
Kế hoạch đưa ra trước đó, đến năm 2017, Viettel Global dự kiến sẽ đầu tư với quy mô thị trường 350 triệu dân (tăng từ 226 triệu dân hiện nay).
Các thị trường dự kiến xúc tiến đầu tư gồm Gông-gô, Myanmar, Belarus, Nepal, cụ thể như sau : Đầu tư mới vào Myanmar 4.500 tỷ đồng, Công-gô 1.500 tỷ đồng. Đầu tư vào thị trường đang triển khai là Tanzania 2.000 tỷ đồng. Đầu tư vào các thị trường khác 1200 tỷ đồng.
Hiện tại, với số tiền phát hành được trị giá 2.000 tỷ đồng vừa qua, Viettel Global đã đầu tư 600 tỷ dồng vào các thị trường Lào, Campuchia, Timor, Mozambique, Tanzania và Burundi). Số tiền còn lại 1.400 tỷ đồng sẽ được sử dụng đầu tư vào các thị trường theo nhu cầu vốn của từng dự án.
Nợ vay lớn
Theo báo cáo tài chính năm 2015, Viettel Global đạt mức doanh thu cao nhất kể từ khi hoạt động là 14,875 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2014. Ghi nhận mức tăng trưởng doanh số chậm lại so với các giai đoạn trước đó. Biên lãi gộp giảm so với năm trước nhưng vẫn khá cao với mức 27,7%.
Nguồn BCTC Viettel Global
Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Viettel Global lại giảm mạnh, chỉ còn 500 tỷ đồng so với 2.138 tỷ đồng năm 2014. Chi phí tăng mạnh trong khi doanh thu tăng khiêm tốn là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm, tăng mạnh nhất là chi phí tài chính do ghi nhận lỗ tỷ giá.
Cụ thể, trong năm 2015 Viettel Global đã tiến hành đánh giá lại các khoản mục có gốc ngoại tệ, theo đó lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục có gốc ngoại tệ tại các công ty con có dự án đầu tư nước ngoài phát sinh trong năm 2015 là 3.247 tỷ đồng. Viettel Global đã phân bổ vào chi phí tài chính 1.105 tỷ đồng và ghi nhận vào khoản mục chên lệch tỷ giá hối đoái trên bảng cân đối kế toán hợp nhất à 2.243 tỷ đồng.
Hiện Viettel Global đang vay nợ số tiền gần 18.000 tỷ đồng. Trong đó có 7.756 tỷ đồng ngắn hạn và 10.213 tỷ đồng vay dài hạn. Tổng nợ phải trả là 27.226 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2015 là 42.727 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu ở mức 15.501 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Tổng công ty Viễn thông Quân đội là 14.137 tỷ đồng, chiếm 97,92% vốn điều lệ của Viettel Global. Hiện tại cho thấy nợ của Viettel Global đã vượt quá vốn chủ sở hữu.
Khả năng thanh toán hiện thời của Viettel Global cũng khá thấp, khoảng 1,21 lần. Tuy nhiên, khả năng thanh toán nhanh chỉ ở mức 0,73 lần. Đáng chú ý, nếu loại trừ khoản thu ngắn hạn đối với công ty con và liên kết là Viettel Peru và Viễn Thông Star thì chỉ số thanh toán nhanh của Viettel Global sẽ giảm xuống còn 0,6 lần.
Cùng với việc tập đoàn Viettel chỉ rót về 2.000 tỷ đồng so với 10.000 tỷ dự kiến ban đầu đặt ra dấu hỏi về nguồn vốn tài trợ cho các dự án đầu tư sắp tới tại nước ngoài của Viettel Global.
Theo Hoàng Trung
Người dồng hành