Viettel 4 lần muốn rút vốn khỏi dự án Rose Valley gần 12.000 tỷ
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa thông báo về việc chào bán cạnh tranh toàn bộ lô gần 4,6 triệu cổ phần đang nắm giữ tại CTCP Vĩnh Sơn. Giá khởi điểm cả lô là hơn 922 tỷ đồng, tương đương 201.044 đồng/cổ phần. Thời gian tổ chức đấu giá là 14h30 ngày 21/9 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Đây là lần thứ 4 Viettel rao bán cổ phiếu Vĩnh Sơn. Cả ba lần trước đều không thể tổ chức do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá.
Vĩnh Sơn được thành lập hồi tháng 9/2003 với vốn điều lệ ban đầu 11 tỷ đồng. Doanh nghiệp có địa chỉ tại KĐT Hà Tiên, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại ngày 30/6/2021, cổ đông của Vĩnh Sơn gồm hai tổ chức (chiếm 99,9%) là CTCP Bất động sản Dragon Village (60%) và Viettel (39,9%). Phần còn lại thuộc sở hữu của ông Nguyễn Khánh Trung (0,1%).
Doanh nghiệp này được thành lập với mục đích triển khai dự án Khu đô thị Thung lũng hoa hồng (còn có tên gọi thương mại Rose Valley, trước đây là Khu biệt thự và nhà nghỉ Nam Sơn), có vị trí tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh và xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Dự án Rose Valley có quy mô hơn 75,5 ha, tổng đầu tư dự kiến khoảng 11.873 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 quy mô 64,6 ha tại khu đồng Chóp Vạn, thôn Do Thượng, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tĩnh Vĩnh Phúc. Giai đoạn 2009 - 2011, dự án đã thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh 7,4 ha/64,66 ha và một số nhà mẫu.
Với giai đoạn 2, công ty đang hoàn thiện thủ tục trình UBND TP Hà Nội xin chấp thuận mở rộng dự án thêm 10,85 ha.
Dự án này được Vĩnh Sơn thực hiện nghiên cứu lập quy hoạch từ năm 2004 nhưng đến tháng 8/2008 phải dừng triển khai chờ quy hoạch phân khu để khớp nối với quy hoạch Hà Nội mở rộng do huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc được sáp nhập về Hà Nội. Hiện giai đoạn 1 của dự án đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng giai đoạn mở rộng chưa được chấp thuận.
Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2029, được phân làm 5 giai đoạn. Theo BCTC 6 tháng đầu năm 2021, tại thời điểm 30/6, Vĩnh Sơn đã chi 1.129 tỷ đồng cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, đầu tư một số hạng mục hạ tầng, trả lãi vay và các chi phí quản lý dự án.
Doanh nghiệp chật vật vì dự án chưa triển khai
Nói thêm về Vĩnh Sơn, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này vài năm gần đây không mấy khả quan, một phần là do dự án chủ lực chưa thể triển khai.
Năm 2018, doanh nghiệp ghi nhận hơn 949 triệu đồng doanh thu thuần. Song, chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn (hơn 1,1 tỷ đồng) cộng với các chi phí khác gần 754 triệu đồng khiến công ty lỗ gần 546 triệu đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 555 triệu đồng, giảm 41% so với năm 2018 và khoản LNST thu về chỉ vỏn vẹn gần 14 triệu đồng. Sang năm 2020, doanh thu của công ty tiếp tục sụt giảm trong năm 2020 với gần 192 triệu đồng, LNST có cải thiện nhưng không đáng kể với hơn 20 triệu đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của Vĩnh Sơn chỉ đạt hơn 84 triệu đồng và LNST chỉ hơn 3 triệu đồng. Tính đến hết tháng 6, doanh nghiệp còn hơn 61 triệu đồng tiền mặt và hơn 82 triệu đồng tiền gửi ngân hàng, tổng giá trị giảm hơn 48 triệu đồng so với đầu năm.