|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VietinBank: Khai thác tối đa nguồn lực, tăng trưởng hiệu quả, an toàn, bền vững

11:22 | 06/03/2023
Chia sẻ
Chiều ngày 3/3, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức Hội nghị nhà đầu tư và chuyên gia phân tích năm 2023 theo hình thức trực tuyến.

Tham dự Hội nghị, về phía VietinBank có bà Phạm Thị Thanh Hoài - Thành viên HĐQT cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị chủ chốt tại Trụ sở chính VietinBank. Về phía khách mời có gần 90 chuyên gia phân tích đến từ gần 50 tổ chức, đại diện cho các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ; cổ đông của VietinBank; các nhà đầu tư (NĐT) tiềm năng quan tâm đến cơ hội đầu tư vào cổ phiếu CTG.

Toàn cảnh Hội nghị nhà đầu tư & chuyên gia phân tích năm 2023 của VietinBank. (Ảnh:VietinBank).

Những kết quả tích cực của năm 2022

Năm 2022, tiến trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 của nền kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức; tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ xảy ra như xung đột quân sự tại Nga – Ukraine; lạm phát cao kỷ lục tại nhiều quốc gia; thiên tai kéo dài trên diện rộng tại nhiều khu vực…

Trước tình hình này, các nước lớn đã điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt, áp dụng mọi biện pháp để bảo đảm an ninh năng lượng…, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, VietinBank đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp kinh doanh, chủ động tối ưu hiệu quả sử dụng chi phí và quản lý tốt chất lượng tài sản, tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, duy trì các chương trình ưu đãi giảm lãi suất cho vay, giữ mặt bằng lãi suất cho vay tốt, cạnh tranh trên thị trường, giúp khách hàng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với chi phí thấp, đáp ứng tối ưu nhu cầu tài chính của nền kinh tế.

Theo đó, kết quả kinh doanh năm 2022 của VietinBank đạt những kết quả tích cực về cả quy mô và hiệu quả, cụ thể:

-        Tổng tài sản đạt 1,81 triệu tỷ đồng, tăng 18,1% so với cuối năm 2021;

-       Dư nợ tín dụng đạt 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với cuối năm 2021, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh hồi phục sau dịch Covid, phù hợp với diễn biến chung toàn ngành Ngân hàng và tối ưu hạn mức tín dụng được NHNN phê duyệt. Cơ cấu danh mục cho vay tiếp tục cải thiện tích cực ở phân khúc sinh lời cao là khách hàng (KH) Bán lẻ (tăng trưởng 30,3% so với năm 2021 nâng tỷ trọng từ 32,2% lên 37,2%); tập trung nguồn vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, thiết yếu của nền kinh tế, các nhu cầu vốn có khả năng phục hồi tốt sau dịch, khách hàng mang lại hiệu quả cao.

-       Nguồn vốn huy động đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối năm 2021. Tiền gửi CASA tiếp tục tăng 7,1% so với  cuối năm 2021, tỷ lệ CASA trên tổng nguồn vốn huy động tiếp tục duy trì ở mức 20% trong bối cảnh cạnh tranh CASA giữa các ngân hàng ngày càng quyết liệt, qua đó đã tác động tích cực lên chi phí vốn của VietinBank. Cơ cấu danh mục tiền gửi KH dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng KH bán lẻ (từ 48,4% lên 49,7%) và KH doanh nghiệp vừa và nhỏ (từ 11,2% lên 14,1%);

-       Tổng thu nhập hoạt động năm 2022 đạt 64.600 tỷ đồng,  tăng 21,5% so với năm 2021. Trong đó, thu nhập lãi thuần (không gồm thu phí bảo lãnh) tăng 14,9% so với năm 2021 nhờ tối ưu hóa hạn mức tăng trưởng tín dụng và tái cấu trúc nâng cao hiệu quả danh mục tín dụng;

-       Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 22,8% so với năm 2021 và đến từ hầu hết các đầu thu dịch vụ, trong đó đáng chú ý là thu phí TTTM tăng 110% và thu phí hoa hồng bảo hiểm tăng 187% so với năm 2021.

-       Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng mạnh 97% so với năm 2021 do VietinBank tiếp tục thực hiện chiến lược kinh doanh hợp lý. Lãi thuần từ hoạt động khác tăng mạnh 94,4% so với năm 2021 chủ yếu do VietinBank thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý, thu hồi nợ xử lý rủi ro (XLRR) (tăng 65,3% so với năm 2021).

-       Lợi nhuận thuần từ HĐKD trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2022 tăng 25,9% so với năm 2021. VietinBank tiếp tục chủ động dành nguồn lực tài chính trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định nhằm gia tăng đệm dự phòng cho những biến động về chất lượng nợ trước những ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế. Chi phí dự phòng năm 2022 tăng 31,5% so với năm 2021; tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 188%, tăng so với mức 180,4% cuối năm 2021. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 21.100 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021.

-       Các chỉ tiêu hiệu quả của VietinBank trong năm 2022 tiếp tục được duy trì và cải thiện: NIM cuối năm 2022 đạt 2,94%, tiếp tục cải thiện so với 9 tháng đầu năm 2022; Tỷ lệ ROA, ROE của VietinBank tăng nhẹ so với năm 2021, đạt 1,26% và 16,8%.

Bà Phạm Thị Thanh Hoài - Thành viên HĐQT (áo trắng, ở giữa) cập nhật kết quả kinh doanh tích cực của Vietinbank tại Hội nghị.(Ảnh: VietinBank).

Khai thác tối đa nguồn lực, kinh doanh hiệu quả, an toàn, tăng cường quản trị rủi ro trong năm 2023

Tại Hội nghị, Lãnh đạo VietinBank đã thảo luận, trao đổi, giải đáp các câu hỏi của NĐT, chuyên gia phân tích quan tâm về triển vọng KQKD năm 2023: Các biện pháp tiếp tục tăng CASA và cải thiện nguồn vốn huy động, cải thiện NIM; tiếp tục đẩy mạnh phân khúc BL và KHDN VVN để gia tăng hiệu quả và nâng cao tính cạnh tranh; các biện pháp đẩy mạnh các hoạt động thu ngoài lãi, đặc biệt là hợp tác bán chéo bảo hiểm nhân thọ (BHNT) (bancassurance) với Manulife, kinh doanh ngoại hối, thu hồi nợ xử lý rủi ro (XLRR); đánh giá về tình hình nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, rủi ro cho vay lĩnh vực bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp;....

Theo đó, trong năm 2023, VietinBank sẽ khai thác tối đa mọi nguồn lực, tập trung tăng trưởng hiệu quả, an toàn song song với tăng cường quản trị rủi ro. VietinBank định hướng tập trung nguồn lực triển khai 4 chủ điểm kinh doanh gồm:

(i) Tăng trưởng CASA; (ii) Tăng trưởng thu ngoài lãi; (iii) Khai thác hệ sinh thái và bán chéo; và (iv) Thu hồi nợ xử lý rủi ro. Đồng thời, VietinBank sẽ triển khai các giải pháp toàn diện, linh hoạt và đồng bộ,

Tập trung vào 05 chủ điểm nền tảng gồm: (i) Quản trị tốt chất lượng nợ và rủi ro tín dụng; (ii) Quản trị hiệu quả cân đối vốn; (iii) Nâng cao chất lượng dịch vụ; (iv) Nâng cao năng suất lao động; và (v) Xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số.

VietinBank sẽ tập trung khai thác tối đa nguồn lực, tăng trưởng hiệu quả, an toàn, bền vững trong năm 2023, phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 (đang trình Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi trình ĐHĐCĐ thường niên 2023).

Hội nghị diễn ra trong không khí đối thoại cởi mở, cung cấp thông tin cập nhật và chuyên sâu phục vụ việc phân tích, đánh giá cơ hội đầu tư vào cổ phiếu CTG của các CTCK, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư uy tín hàng đầu thị trường.

Thành công của Hội nghị tiếp tục khẳng định hình ảnh VietinBank minh bạch trong thông tin, hiệu quả trong hoạt động và gắn kết trong quan hệ với cộng đồng nhà đầu tư.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Bích Thu

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.