|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ VietinBank: Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 197%, kế hoạch phát hành 15.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp

11:53 | 29/04/2022
Chia sẻ
VietinBank dự kiến trả cổ tức cả hai năm 2020 và 2021 bằng cổ phiếu, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm tổng cộng 15.300 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại ngày 31/3/2022 là hơn 197%, cải thiện so với mức 180% cuối năm ngoái.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank phát biểu tại đại hội cổ đông sáng 29/4/2022. (Ảnh chụp màn hình: Song Ngọc).

Kế hoạch tăng vốn khủng

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 tổ chức sáng nay 29/4, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG) trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng cách trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 11,8488%.

Hiện nay VietinBank có vốn điều lệ hơn 48.058 tỷ đồng, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Vì vậy, nhà băng này dự kiến phát hành thêm 569,4 triệu cổ phiếu CTG, nâng vốn điều lệ thêm 5.694 tỷ đồng.

Năm 2021, VietinBank đã trả cổ tức các năm 2017 – 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 29,07% để tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ. Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết: “Vốn điều lệ tăng đã tạo tiền đề để VietinBank nâng cao năng lực tài chính, tiếp tục mở rộng kinh doanh, tăng cường khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế”. 

VietinBank hiện có vốn điều lệ lớn thứ 2 thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau BIDV.

Ngoài ra, Hội đồng quản trị (HĐQT) VietinBank cũng trình đại hội cổ đông sáng 29/4 thảo luận và thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 dự kiến như sau:

Lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm ngoái là 13.622 tỷ đồng, trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (5%) là 681 tỷ đồng, trích quỹ dự phòng tài chính (10%) là 1.362 tỷ đồng, và trích quỹ khen thưởng, phúc lợi 1.955 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ là 9.624 tỷ đồng.

VietinBank dự định dùng toàn bộ số lợi nhuận còn lại nói trên để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tổng giá trị vốn điều lệ dự kiến tăng thêm từ việc trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020 và 2021 là 15.318 tỷ đồng.

Sau khi hoàn tất các đợt cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ VietinBank sẽ tăng lên thành hơn 63.000 tỷ, vượt xa mức vốn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) hiện nay.

Mục tiêu lợi nhuận tăng 15%

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, Hội đồng quản trị VietinBank đề ra mục tiêu tổng tài sản cuối năm sẽ tăng trưởng 5-10% so với đầu năm. Tăng trưởng dư nợ tín dụng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tăng trưởng huy động tiền gửi dự kiến 8-10%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN.

Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng năm 2022 phấn đấu dưới 1,8%. Năm 2021, VietinBank đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu không quá 2%, con số thực tế ngày cuối năm là 1,26%.

Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 2022 dự kiến tăng trưởng 15% và được điều chỉnh theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Năm 2021, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 17.589 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 16.860 tỷ đồng. Theo kế hoạch nêu trên, lãi trước thuế riêng lẻ của VietinBank trong năm nay có thể sẽ đạt 19.390 tỷ đồng.

Riêng trong quý I vừa qua, VietinBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 8,6% lên 1,2 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm 28% còn 5.822 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/3 là 1,25%.

VietinBank lãi sau thuế hợp nhất 14.215 tỷ đồng năm 2022.

Thay đổi nhân sự

Đại hội cổ đông thường niên sáng 29/4 cũng dự kiến bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024. Ứng cử viên duy nhất là ông Nguyễn Đức Thành, hiện đang là Phó Tổng Giám đốc VietinBank.

Ông Thành sinh năm 1970, tốt nghiệp cử nhân ngành kinh tế đối ngoại - Đại học Ngoại Thương, thạc sỹ chuyên ngành quản lý kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân. Trong quá trình công tác, ông Thành đã có nhiều năm làm việc tại Bộ Thương mại, Bộ Công thương, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ VietinBankAviva, Ngân hàng VietinBank tại Lào, ...

Hiên nay, HĐQT của VietinBank có 9 thành viên gồm:

Ông Trần Minh Bình – Chủ tịch HĐQT

Ông Trần Văn Tần – Thành viên HĐQT

Ông Lê Thanh Tùng – Thành viên HĐQT

Bà Trần Thu Huyền – Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Khối Nhân sự

Ông Nguyễn Thế Huân – Thành viên HĐQT

Bà Phạm Thị Thanh Hoài – Thành viên HĐQT

Ông Masahiko Oki – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc

Ông Masashige Nakazono – Thành viên HĐQT

Bà Nguyễn Thị Bắc – Thành viên độc lập HĐQT

Lãnh đạo VietinBank: Giá cổ phiếu CTG chưa phản ánh đúng nội lực của ngân hàng

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành VietinBank phát biểu tại đại hội: “Giá cổ phiếu CTG hiện nay chưa phản ánh đầy đủ những lợi thế so sánh và nội lực của Ngân hàng Công thương Việt Nam".

Sáng 29/4, giá cổ phiếu CTG có lúc giảm hơn 1% còn 27.850 đồng/cp. So với đầu năm 2022, CTG đã giảm khoảng 18%. Vốn hóa VietinBank hiện nay là 135.500 tỷ đồng.

(Đơn vị: đồng/cp)

Thảo luận với cổ đông

Cập nhật hoạt động 4 tháng đầu năm, hợp tác với Manulife, thoái vốn VietinBank Leasing

Chủ tịch Trần Minh Bình: Môi trường kinh doanh năm 2022 không những có yếu tố dịch bệnh COVID-19 mà còn có thêm bất ổn địa chính trị Nga – Ukraine.

Từ năm 2021, chúng tôi đã chủ động xây dựng các giải pháp kinh doanh cho năm 2022 và triển khai xuống các đơn vị. Đến tháng 4 này, hoạt động của VietinBank có sự khác biệt rất nhiều.

Tính đến 25/4: Tổng tài sản tăng 8,4% lên 1,6 triệu tỷ đồng. Dư nợ đạt 1,22 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 8,6%. Thời điểm quý I tăng 9,2-9,3%, hiện giảm xuống 8,6%. Năm 2022 VietinBank được giao tăng trưởng tín dụng 10%. Chúng tôi dự báo nhu cầu tín dụng quý II và III sẽ rất lớn nên chúng tôi chuẩn bị trước. VietinBank duy trì tỷ lệ LDR khoảng 83-84%.

Dự báo tăng trưởng lợi nhuận 15% là tương đối thận trọng, có thể đạt được. Trong năm 2022, VietinBank sẽ ghi nhận khoản phí up-front theo thỏa thuận hợp tác với Manulife. VietinBank không thể công bố con số cụ thể vì thỏa thuận bảo mật nhưng Chủ tịch Trần Minh Bình đánh giá là rất tốt, sẽ được phân bổ trong 5 năm.

VietinBank hiện đứng thứ 3 về bancassurance, dự kiến năm nay sẽ đẩy doanh số bảo hiểm lên trên 1.000 tỷ đồng, khoản phí dự kiến 250 tỷ.

Ngân hàng đang tiến hành quá trình thoái vốn khỏi công ty con là Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV VietinBank Leasing. Quá trình đàm phán đòi hỏi nhiều thời gian để chúng tôi đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ cũng như đảm bảo tính hiệu quả của thương vụ.

Tình hình nợ xấu

Thành viên HĐQT Lê Thanh Tùng: Tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/3/2022 là 1,25%, giảm so với cuối năm 2021. VietinBank luôn chú trọng quản lý rủi ro tín dụng, nhận diện sớm các rủi ro tiềm ẩn để có giải pháp kịp thời. Ngân hàng áp dụng mô hình IRB theo chuẩn Basel II, chuyển dịch cơ cấu tín dụng hướng tới khách hàng bán lẻ vừa và nhỏ để tối ưu hóa danh mục.

Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine và COVID-19 diễn biến phức tạp, VietinBank phấn đấu tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%. Chủ tịch Trần Minh Bình cho rằng thực tế có thể làm tốt hơn mức 1,8% này.

Kế hoạch trích lập dự phòng: Tính đến cuối quý I/2022, VietinBank đã trích lập hơn 4.400 tỷ đồng, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 197,3%, cao hơn mức 180% vào ngày 31/12/2021.

Kế hoạch phát hành trái phiếu

Thành viên HĐQT Trần Văn Tần: Năm 2022, VietinBank dự định phát hành các loại giấy tờ có giá bao gồm trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi. Với trái phiếu thứ cấp, tức là loại trái phiếu có thể tính vào vốn cấp 2 của VietinBank, tổng mệnh giá phát hành tối đa là 15.000 tỷ đồng. Lãi suất phù hợp với thị trường vào thời điểm phát hành.

Với giấy tờ có giá thông thường bao gồm chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu thường, tổng mệnh giá dự kiến phát hành là 50.000 tỷ đồng.

VietinBank chưa có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế năm 2022.

Tăng vốn và cổ tức

Chủ tịch Trần Minh Bình: Theo nghị quyết của Quốc hội, VietinBank sẽ dành toàn bộ lợi nhuận thu được để tăng vốn. Về tỷ lệ cụ thể bao nhiêu, chúng tôi cần xin ý kiến Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Nhưng theo quan điểm của Quốc hội, lợi nhuận sẽ dành trọn vẹn cho việc tăng vốn nên tỷ lệ cổ tức sẽ rất tốt và rất cao trong thời gian tới.

Để nâng hệ số CAR, anh Trần Văn Tần cũng nói đến việc phát hành trái phiếu thứ cấp, được tính vào vốn cấp 2. Ngoài ra, chúng tôi còn rà soát hệ số rủi ro, tài sản có rủi ro để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, cổ đông có thể yên tâm.

Kết quả biểu quyết

Đại hội cổ đông biểu quyết thông qua tất cả tờ trình, bầu ông Nguyễn Đức Thành làm Thành viên Hội đồng quản trị.

Đức Quyền