|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vietcombank lãi hơn 10.700 tỷ trong quý I, ghi nhận hai quý liên tiếp giảm lợi nhuận

07:30 | 28/04/2024
Chia sẻ
Tất cả mảng kinh doanh của Vietcombank đều ghi nhận kết quả kém sắc hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ giảm chi phí hoạt động, chi phí dự phòng mà ngân hàng vẫn đạt được lợi nhuận gần 11.000 tỷ đồng, vượt xa các đối thủ cùng ngành.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với lợi nhuận trước thuế đạt 10.718 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng ở mức 8.568 tỷ đồng, giảm 4,5%.

Đây là quý thứ hai liên tiếp Vietcombank ghi nhận lợi nhuận đi xuống so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả của Vietcombank vẫn bỏ xa các đối thủ còn lại. Ngân hàng đang có lãi trước thuế cao thứ hai là Techcombank, ở mức 7.802 tỷ đồng, trong khi BIDV báo lãi 7.390 tỷ đồng, xếp thứ ba.

 

Tất cả các mảng kinh doanh của Vietcombank đều có kết quả kém hơn so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm gần 1%, xuống 14.078 tỷ đồng. Theo lý giải của đại diện Vietcombank trong ĐHĐCĐ vừa qua, thu nhập lãi thuần đi xuống do tác động từ việc giảm lãi suất sâu. 

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng thấp hơn 1% so với cùng kỳ, ở mức 1.442 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng kinh doanh ngoại hối, thế mạnh của Vietcombank, ghi nhận lãi thuần giảm tới 29,8% so với cùng kỳ, mang về 1.198 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng giảm 53,1%, xuống 508 tỷ đồng. Những mảng kinh doanh này đều không được Vietcombank thuyết minh chi tiết trong báo cáo.

Hai mảng chứng khoán kinh doanh và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đều có lãi thuần giảm khoảng 20% so với cùng kỳ nhưng quy mô nhỏ, đóng góp không đáng kể vào lợi nhuận Vietcombank.

 

Do tất cả các mảng kinh doanh đều đi xuống so với cùng kỳ, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Vietcombank đã giảm 6,7%, xuống 17.280 tỷ đồng. Tổng chi phí hoạt động cũng được ngân hàng giảm 4,2%, chủ yếu là ở chi phí hoạt động, quản lý công vụ.

Do đó, lợi nhuận thuần của Vietcombank ở mức 12.226 tỷ đồng, giảm 7,7%. Chi phí dự phòng rủi ro trong quý đầu năm là 1.508 tỷ đồng, giảm 25,4% so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận trước thuế chỉ giảm 4,5%.

 

Cuối quý I, tổng tài sản của Vietcombank giảm 3,6%, xuống 1,77 triệu tỷ đồng, chủ yếu do sự sụt giảm trong tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và tiền gửi, cho vay tổ chức tín dụng khác. Số dư dự phòng rủi ro cho dư nợ cho vay các tổ chức tín dụng khác là  4.948 tỷ đồng, tiếp tục giảm so với cuối năm trước.

Tiền gửi khách hàng cũng giảm 3,5%, xuống 1,35 triệu tỷ đồng. Lãnh đạo ngân hàng cho biết huy động vốn được giảm có chủ đích để đảm bảo NIM, hiệu quả sử dụng vốn.

Số dư nợ xấu ngân hàng tăng 24,1% lên 15.459 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu lên 1,22%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank vẫn ở mức gần 200%, thuộc nhóm dẫn đầu ngành ngân hàng. Theo đại diện Vietcombank, nợ xấu trong quý I tăng lên ở cả nhóm bán buôn và nợ xấu bán lẻ.

Nợ xấu bán buôn không phải bất ngờ, mà đã được nhận diện và đang có giải pháp xử lý. Do bối cảnh tình hình kinh tế, nợ xấu với bán lẻ và bán lẻ vay vốn BĐS gia tăng trong năm 2023 và đầu năm 2024. Tuy nhiên, nợ xấu bán lẻ có khẩu vị rủi ro chặt chẽ, nên tỷ lệ tài sản đảm bảo trên dư nợ cao, khả năng mất vốn không nhiều. 

Tính đến cuối quý I, số nhân viên của Vietcombank là 23.681 người, tăng khoảng 200 người so với đầu năm. Số lượng nhân viên bình quân của ngân hàng đã tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi phí cho nhân viên nhích lên không nhiều. Do đó, chi phí bình quân cho nhân viên giảm xuống 41,1 triệu đồng/người/tháng, tạm đứng sau Techcombank, TPBank.

Minh Quang