|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% trong 5 năm 2023 - 2028

14:15 | 19/04/2023
Chia sẻ
Trong giai đoạn 2023-2038, Vietcombank sẽ bầu nhiệm kỳ HĐQT mới đồng thời đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng dự kiến từ 12 - 14%/năm; tăng trưởng tổng tài sản đạt 9 - 10%/năm; tăng trưởng huy động vốn từ 10 - 11%/năm.

Ngày 21/4 tới đây,Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên với nhiều vấn đề quan trọng được trình tới các cổ đông.

Cụ thể, trong năm 2023, Vietcombank cho biết sẽ đặt mục tiêu trọng tâm là kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo trần tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thực hiện cơ cấu danh mục theo định hướng của trụ sở chính; Điều hành công tác huy động vốn linh hoạt và tăng cường công tác quản trị rủi ro, đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ ngoại bảng;...

Ngân hàng đặt ra định hướng một số chỉ tiêu chính dự kiến cho giai đoạn 2023 - 2028 như sau: Tăng trưởng tín dụng dự kiến từ 12 - 14%/năm; tăng trưởng tổng tài sản đạt  9 - 10%/năm; tăng trưởng huy động vốn từ 10 - 11%/năm.

Con số kế hoạch kinh doanh cụ thể của năm 2023 chưa được ngân hàng công bố chi tiết trong bản dự thảo tài liệu đã đăng tải.

 

 Một số chỉ tiêu chính dự kiến cho giai đoạn 2023 - 2028. (Nguồn: Vietcombank).

HĐQT của Vietcombank cũng đặt mục tiêu triểnkhai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém theo định hướng chỉ đạo của NHNN.

Trong kỳ đại hội năm trước, đại hội đồng cổ đông Vietcombank đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém, tới thời điểm hiện tại tên của tổ chức này chưa được công bố chính thức.

Trong 5 năm 2017 - 2022, ngân hàng đã ghi nhận nhiều con số tích cực với mức tăng trưởng kép (CAGR) về tổng tài sản khoảng 12%/năm,tốc độ tăng trưởng kép dư nợ tín dụng khoảng 16%/năm.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản ngân hàng đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 1,8 lần (tăng gần 800.000 tỷ đồng) so với thời điểm 5 năm trước.Dư nợ tín dụng đạt trên 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với 31/12/2017.

Lợi nhuận trước thuế tăng 3,3 lần, từ 11.000 tỷ đồng năm 2017 lên gần 37.000 tỷ đồng năm 2022, tương đương với tốc độ tăng bình quân khoảng 29%/năm, liên tục dẫn đầu ngành ngân hàng về quy mô lợi nhuận. 

Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu giảm từ khoảng 1,11% cuối năm 2017 xuống còn 0,68% tại thời điểm cuối năm 2022.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, ngân hàng cũng cho biết có một số hạn chế nhất định nhưviệc duy trì và cải thiện thị phần của VCB trong một số lĩnh vực như thẻ, bancas… chưa đạt kỳ vọng trong bối cảnh áp lực cạnh tranh gay gắt.

Đồng thời, tỷ trọng thu nhập từ lãi trong tổng thu nhập vẫn còn cao so vớimô hình ngân hàng hiện đại trong khu vực và trên thế giới.

Hệ số an toàn vốn hiện nay của VCB ở mức trên 10%, đáp ứng yêu cầu theo quy định hiện hành của NHNN, tuy nhiên vẫn ở mức khá thấp so với các ngân hàng trong khu vực. Do đó, việc tăng vốn điều lệ cần được triển khai thực hiện phù hợp với qui mô tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn tới, giúp tăng bộ đệm cho các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh và cải thiện hệ số an toàn vốn.

Huyền Phương