Vietcap dự báo VN-Index đạt 1.350 điểm cuối năm và chỉ ra những nhóm ngành tiềm năng
Theo báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2024 mới công bố, Chứng khoán Vietcap duy trì mục tiêu VN-Index đạt 1.350 cho cuối năm 2024 và 1.550 cho cuối năm 2025.
Công ty có quan điểm lạc quan về thị trường với kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng mạnh trong năm 2024 và 2025; Lãi suất duy trì ở mức thấp, với dự báo lãi suất điều hành sẽ ổn định trong phần lớn năm 2024, sau đó tăng một đợt vào cuối năm và thêm một đợt tăng vào năm 2025 khi nền kinh tế phục hồi; ngoài ra, định giá hiện đang hấp dẫn. P/E trượt 12T và P/E dự phóng 12T đồng thuận của VN-Index đều thấp hơn mức trung bình lịch sử và các chỉ số của GEM & các thị trường khu vực.
Các yếu tố hỗ trợ và rủi ro cho thị trường
Chứng khoán Vietcap đưa ra ba yếu tố hỗ trợ VN-Index tăng điểm. Thứ nhất. nền kinh tế tiếp tục phục hồi theo chu kỳ sẽ hỗ trợ thị trường lao động, cải thiện thu nhập hộ gia đình cũng như niềm tin của người tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế mạnh và bền vững sẽ đẩy mạnh đà phục hồi vốn đầu tư xây dựng cơ bản của khu vực tư nhân vào năm 2025. Tăng trưởng GDP mạnh sẽ thúc đẩy doanh thu, biên lợi nhuận và thu nhập doanh nghiệp.
Thứ hai, ngành bất động sản dần phục hồi. Chứng khoán Vietcap dự báo ngành bất động sản chỉ dần phục hồi vào năm 2024, nhưng giao dịch trên thị trường nhà ở ngày càng gia tăng sẽ cho thấy nút thắt phía nguồn cung đang được giải quyết và niềm tin của người mua đang dần phục hồi. Điều này cũng sẽ tạo niềm tin rằng lợi nhuận và khả năng gia hạn các khoản vay mới của ngân hàng sẽ không bị hạn chế quá mức bởi nợ xấu.
Thứ ba, lạm phát được kiểm soát, dự kiến Fed nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2024. Vietcap cho rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2024. Lãi suất USD thấp hơn và đồng USD ổn định hơn sẽ giảm rủi ro tỷ giá USD/VND tăng, buộc NHNN đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ cũng sẽ mang lại một môi trường hỗ trợ nhiều hơn cho dòng vốn phát triển tài sản thị trường.
Ngoài ra, một yếu tố hỗ trợ bổ sung tiềm năng là Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Việc được FTSE và MSCI phân loại là thị trường mới nổi sẽ mang lại dòng vốn đầu tư đáng kể từ các quỹ thụ động theo chỉ số thị trường mới nổi. Vietcap ước tính sơ bộ là khoảng 7 tỷ USD từ vốn hóa thị trường chỉ số.
Công ty cho rằng tài sản được quản lý (AUM) trong các quỹ thụ động được đánh giá theo chỉ số FTSE EM khá nhỏ hơn so với tài sản được đánh giá theo chỉ số MSCI EM. Nếu chỉ có FTSE – không phải MSCI – nâng hạng Việt Nam, thì dòng vốn thụ động có thể sẽ nhỏ hơn đáng kể so với dòng vốn đầu tư ước tính khi thị trường Việt Nam cùng được cả hai nhà cung cấp nâng hạng.
Về rủi ro đối với quan điểm tích cực của công ty, gồm hoạt động xuất khẩu yếu hơn dự kiến. Dự báo đồng thuận cho thấy nền kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ ‘hạ cánh mềm’, nhưng vẫn có rủi ro tác động trễ của việc Fed và ECB thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2022, 2023 và nền kinh tế Trung Quốc suy yếu có thể làm giảm nhu cầu đối với xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 và 2025.
Lập trường chính sách thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam bị chệch hướng. Các thách thức tiềm ẩn đối với quan điểm chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN bao gồm các cú sốc lạm phát hoặc tỷ giá USD/VND tăng quá mức. Việc chậm trễ trong phê duyệt đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng và khu vực tư nhân có thể dẫn đến tăng trưởng chậm hơn dự kiến
Cuối cùng, gián đoạn do xung đột địa chính trị ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, vốn FDI, giá hàng hóa. Giá hàng hóa nhìn chung tương đối ổn định trong 12 tháng qua bất chấp các cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và Gaza, nhưng leo thang của các cuộc xung đột tại Ukraine và Gaza có thể dẫn đến tăng giá hàng hóa, gây áp lực lạm phát.
Việc tăng mạnh thuế nhập khẩu của Mỹ dưới thời tổng thống Trump nhiệm kỳ 2 có thể dẫn đến lạm phát cao hơn dự kiến tại Mỹ, lãi suất ở Mỹ cao hơn và đồng USD mạnh hơn, đồng thời thương mại quốc tế và tăng trưởng toàn cầu yếu hơn.