Việt Tiệp gặp khó vì khóa thế hệ mới
Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán của Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp, năm 2016, công ty ghi nhận hơn 936 tỷ đồng doanh thu bán hàng, tăng gần 9% so với năm 2015 và tương đương kế hoạch thông qua từ đầu năm. Bình quân mỗi ngày, doanh thu bán khóa của Việt Tiệp đạt gần 3 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế năm 2016 của công ty đạt 61,6 tỷ đồng, tương đương 6,6% doanh thu và tăng 11,4% so với năm 2015. Với khoảng 22 triệu sản phẩm được bán ra, bình quân mỗi chiếc khóa đem về gần 3.000 đồng lợi nhuận ròng.
Sau khi kết quả kinh doanh của Khóa Việt Tiệp chạm đáy vào năm 2013 với doanh thu và lợi nhuận chỉ còn 607 tỷ và 37 tỷ đồng, các số liệu 3 năm gần đây đã có sự phục hồi đáng kể.
Tuy nhiên, chỉ tiêu biên lợi nhuận trên doanh thu vẫn tiếp tục đi ngang, chỉ đạt khoảng 6-7% mỗi năm. So với mức biên lợi nhuận cao kỷ lục hơn 25% vào năm 2009, con số đến nay chỉ còn chưa đến một phần ba.
Dù doanh thu của Khóa Việt Tiếp tăng đều qua các năm nhưng biên lợi nhuận đang có dấu hiệu dần thu hẹp. |
Trong khi nhiều thương hiệu Việt có lịch sử lâu đời đang dần mất vị thế trên thị trường thì Khóa Việt Tiệp vẫn duy trì sự tăng trưởng nhờ hoạt động trong một thị trường có phần "riêng biệt và an toàn", ít có sự cạnh tranh trực tiếp từ các đối thủ khác - sản phẩm khóa truyền thống.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh các sản phẩm thay thế công nghệ cao như khóa điện tử hay khóa vân tay được sử dụng ngày càng nhiều, đặc biệt tại các chung cư mới xây dựng, các thành phố lớn, người tiêu dùng dần quay lưng với các sản phẩm truyền thống, thách thức với doanh nghiệp gần 40 năm tuổi đang ngày càng hiện hữu.
Thực tế, sản lượng khóa được sản xuất mỗi năm của Việt Tiệp hiện cũng đang chậm lại đáng kể so với trước đó. Khi doanh nghiệp này mới cổ phần hóa năm 2005, sản lượng khóa mang thương hiệu Việt Tiệp đạt hơn 15 triệu chiếc, với tốc độ tăng trưởng khoảng 15-20% mỗi năm.
Tuy nhiên, năm 2016, sản lượng khóa chỉ đạt khoảng 22 triệu chiếc, tăng bình quân chưa tới 5% mỗi năm.
Bên cạnh đó, để tiếp tục giữ đà tăng trưởng, các khoản chi phí qua các năm đều tăng mạnh.
Như trường hợp năm 2016, dù doanh thu công ty tăng 9% nhưng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 16% và 23% so với năm trước. Năm 2015, hai khoản chi phí này cũng tăng 17% và 6%.
Công ty cổ phần Khoá Việt Tiệp tiền thân là Xí nghiệp Khoá Hà Nội trực thuộc Sở Công nghiệp Hà Nội, được thành lập ngày 17/7/1974 với trang thiết bị do nước Tiệp Khắc cũ tài trợ. Năm 1992, đơn vị này được
đổi tên thành Xí nghiệp Khóa Việt Tiệp. Tháng 6/2015, Khóa Việt Tiệp hoàn tất
chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.
Tính đến hết năm 2016, Khóa Việt Tiệp có vốn điều lệ hơn 53 tỷ đồng với gần 450 tỷ đồng tổng nguồn vốn. Về cơ cấu tài sản, hàng tồn kho và tiền (bao gồm tiền mặt và các khoản tương đương tiền) đang là hai khoản mục lớn nhất chiếm hơn 76% tổng tài sản, giá trị lần lượt là 207 tỷ và 137 tỷ đồng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/