|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Viết rất nhiều mà chẳng cần biết công chúng muốn đọc hay không: Sai lầm lớn trong tiếp thị của doanh nghiệp nhỏ

23:35 | 28/10/2018
Chia sẻ
Liên tục sản xuất nội dung để tiếp thị nhưng công chúng không muốn đọc là một trong những sai lầm lớn nhất của doanh nghiệp.

Uyên là một cô gái bán thực phẩm sạch trên mạng. Cô lấy rau, củ, quả từ các hộ gia đình ở Ninh Bình rồi rao bán trong các nhóm cư dân chung cư trên Facebook. Hàng ngày, cô đưa lên fanpage câu chuyện về bản thân, những nông trại rau sạch ở quê và quy trình canh tác. Ban đầu lượng độc giả tương tác tăng khá nhanh khiến Uyên rất phấn khởi. Nhưng vài tuần sau, lượng tương tác bắt đầu giảm dù tần suất viết bài tăng.

"Có lẽ sau vài câu chuyện đặc sắc, tôi không còn những thông tin thú vị để kể, nên phải lặp lại những câu chuyện cũ với cách thể hiện mới. Quả thực tôi vẫn nghĩ câu chuyện của tôi hay và người đọc sẽ thích, song mức độ tương tác phản ánh thực tế trái ngược", Uyên thừa nhận.

Câu chuyện của Uyên không phải là trường hợp cá biệt. Hàng nghìn người bán hàng và chủ doanh nghiệp đang viết những nội dung mà họ tâm đắc lên mạng xã hội hàng ngày, song chỉ nhận số lượt tương tác rất thấp.

Nguyễn Thị Bình Nguyên, người sáng lập công ty TNHH Kawaii Việt Nam, từng làm việc cho các tập đoàn quảng cáo nước ngoài trước khi khởi nghiệp. Từ kinh nghiệm làm thuê và làm chủ, Nguyên nhận thấy rất nhiều doanh nghiệp nhỏ có ý thức đầu tư nguồn lực cho tiếp thị bằng nội dung, song họ lại không hiểu đối tượng mục tiêu của họ muốn đọc, xem, nghe những kiểu nội dung nào.

"Ngày nay, mọi người đều có khả năng đưa nội dung lên mạng. Vì thế, chất lượng của nội dung là yếu tố quan trọng nhất để công chúng để ý tới", Nguyên khẳng định.

Thuê một nhà báo sản xuất nội dung cho doanh nghiệp

Mọi thương hiệu lớn đều thực hiện nhiều chương trình tiếp thị bằng nội dung. Vì thế, họ tuyển dụng một nhóm người có tài kể chuyện bằng từ vựng, hình ảnh, âm thanh và video. Đối tượng lý tưởng nhất là người có kinh nghiệm báo chí.

"Nếu doanh nghiệp nhỏ không có đủ tiền để chiêu mộ một nhóm chuyên gia, họ có thể thuê người giỏi bên ngoài", Nguyên gợi ý.

viet rat nhieu ma chang can biet cong chung muon doc hay khong sai lam lon trong tiep thi cua doanh nghiep nho
Nguyễn Thị Bình Nguyên, người sáng lập công ty Kawaii.

"Nhà báo thương hiệu" sẽ viết bài, sản xuất video, chụp ảnh, làm hội thảo qua web cùng nhiều việc khác để thu hút sự chú ý của công chúng.

"Doanh nghiệp không nhất thiết phải thuê một nhà báo thực sự, mà có thể hợp tác với những chuyên gia sản xuất nội dung tận tâm và sáng tạo", Nguyên nói.

Điều quan trọng mà chủ doanh nghiệp cần ghi nhớ, theo Nguyên, là không thuê những người làm việc theo kiểu "sản xuất nội dung vào thời gian rảnh". Thay vào đó, họ phải thuê những người có khả năng sản xuất nội dung liên tục, vào những khung thời gia cố định.

Bản thân Nguyên ưu tiên hợp tác với nhà báo có kinh nghiệm vì họ hiểu tâm lý độc giả nên có thể tạo ra những nội dung phù hợp với nhu cầu của khách hàng mục tiêu.

"Qualcomm Spark là một tạp chí điện tử trứ danh. Nó đạt tới đẳng cấp cao vì 2/3 người sản xuất nội dung cho tạp chí là cựu nhà báo", Nguyên nói.

Đào Kim Bửu, giám đốc công ty quảng cáo Bửu Kim, nhận định chiến lược sản xuất nội dung hướng tới người tiêu dùng sẽ mang tới nhiều lợi ích hơn so với việc sản xuất nội dung hướng tới doanh nghiệp. Theo anh, kinh nghiệm của những nhà báo tài năng sẽ giúp họ tạo ra những nội dung khiến người tiêu dùng thích thú.

"Không ai có nghĩa vụ phải đọc nội dung trên fanpage hay web của doanh nghiệp, nên họ phải công bố những bài viết hấp dẫn. Nếu không có bài viết hấp dẫn, fanpage hay web của doanh nghiệp sẽ chìm nghỉm giữa biển thông tin", Bửu bình luận.

Kể câu chuyện lớn hơn cả sứ mệnh của doanh nghiệp

Lê Xuân Anh, giám đốc công ty công nghệ bảo mật 689Cloud, nhận định rằng nghịch lý trong tiếp thị nội dung là: Câu chuyện mà doanh nghiệp kể không nói về doanh nghiệp, mà mô tả những việc mà họ làm cho người khác.

Theo Xuân Anh, Google là một công ty công nghệ, song câu chuyện của họ không nói về những thuật toán tìm kiếm và hệ điều hành. Thay vào đó, Google nói về những cách thức mà họ kết nối mọi người và làm phong phú cuộc sống của nhân loại. Tương tự, khẩu hiệu "Phát hiện sự vĩ đại của bạn" không liên quan tới giày hay trang phục thể thao, mà đề cập tới việc thức tỉnh đam mê thể thao bên trong mỗi con người.

viet rat nhieu ma chang can biet cong chung muon doc hay khong sai lam lon trong tiep thi cua doanh nghiep nho
Kỹ sư công nghệ thông tin Lê Xuân Anh, giám đốc công ty 689Cloud, thường nói về những lợi ích, sự thay đổi tích cực của các doanh nghiệp sử dụng giải pháp của anh, chứ hiếm khi kể về công ty hay sản phẩm.

"Dù chỉ là chủ doanh nghiệp nhỏ, chúng ta vẫn có thể tìm ra câu chuyện lớn để kể. Sản phẩm hay dịch vụ của bạn tồn tại trên đời ra sao? Nó giúp mọi người thế nào, có thể giúp họ trút gánh nặng hay xoa dịu nỗi đau của họ không? Câu chuyện của doanh nghiệp nên nói về những người sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp bán, chứ không phải bản thân sản phẩm và dịch vụ. Nói cách khách, hãy để khách hàng trở thành anh hùng, chứ không phải chủ doanh nghiệp hay sản phẩm", Xuân Anh lập luận.

Phan Thanh Hải, giám đốc công ty xuất nhập khẩu IBC, lấy một ví dụ với sản phẩm rèm cửa. Thay vì ca ngợi chất lượng của rèm hay phong cách chuyên nghiệp của công ty, người bán nên nói về sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của những người sử dụng rèm.

"Kinh nghiệm của tôi cho thấy, việc tập trung vào câu chuyện lớn sẽ giúp cho doanh nghiệp trở nên khác biệt trong khâu tiếp thị - một yếu tố giúp họ bán hàng dễ hơn", anh Hải nhận định.

Xem thêm

Nhạc Dương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.