|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam và EU sẽ sớm hoàn tất quy trình phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA và EVIPA

20:55 | 30/06/2019
Chia sẻ
Hiệp định EVFTA được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.
Việt Nam và EU sẽ sớm hoàn tất quy trình phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA và EVIPA - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström, Bộ trưởng Phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp của Romania Stefan-Radu Oprea, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Đại Thắng dự họp báo. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Trả lời báo chí ngay sau lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) vào chiều 30/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Hiệp định EVFTA được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.

Liên quan đến vấn đề sau khi Hiệp định EVFTA và EVIPA được ký kết, Việt Nam và EU sẽ làm những công việc gì tiếp theo để đưa các Hiệp định vào thực thi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Theo quy định của mỗi bên, Hiệp định EVFTA sẽ cần phải được Quốc hội phê chuẩn thì mới chính thức có hiệu lực, đi vào thực thi.

Do vậy, trước mắt vẫn còn phải trải qua một chặng đường nữa là phê chuẩn cả 2 Hiệp định này. Chặng đường này dài hay ngắn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của cả Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Vì vậy, việc cần làm là ngay sau khi ký kết, cả hai bên cần sớm triển khai các chuẩn bị cho việc phê chuẩn theo quy trình nội bộ của mình.

Với tinh thần và nỗ lực như đã thể hiện trong quá trình đàm phán, các cơ quan liên quan của Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ hoàn tất quy trình phê chuẩn trong thời gian sớm nhất để các Hiệp định này sớm đi vào hiệu lực, mang lại lợi ích cho mọi tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp của cả 2 bên.

Riêng Hiệp định EVIPA thì quy trình phê chuẩn ở EU khác với EVFTA do phải thông qua quốc hội các nước thành viên EU. Tuy nhiên, vừa qua toàn bộ các nước thành viên EU đều thông qua việc ký kết cả hiệp định EVFTA và EVIPA, chắc chắn sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình phê chuẩn sau này.

Việt Nam và EU sẽ sớm hoàn tất quy trình phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA và EVIPA - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời câu hỏi của các phóng viên. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU; trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Hiện nay EU là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 55,8 tỷ USD. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Do vậy, nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.

Với kết quả đàm phán đã đạt được, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn.

Hơn nữa, trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm).

Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Do vậy, khi đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định EVIPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Với quy mô và tiềm năng của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn thu hút mạnh đầu tư của EU và là điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại - đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Tác động này sẽ được cộng hưởng mạnh mẽ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thực hiện cũng như với việc Việt Nam đã và đang thực hiện các Hiệp định FTA quan trọng như FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu, với Hàn Quốc, hay Hiệp định CPTPP.

Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế, địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc ký kết Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng. Sau 6 năm, quá trình đàm phán EVFTA đã khép lại và  mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD của EU.

Tất nhiên, cùng với các cơ hội đặt ra thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU.

Do đó, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu.

Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Quan trọng hơn cả, cần nhìn nhận đây là con đường mà sớm hay muộn cũng phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.

Cùng đó, các cam kết nhiều lĩnh vực mới trong Hiệp định EVFTA cũng đặt ra yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, Quốc hội đã chủ động đưa ra lộ trình sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Bộ Luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ... Đây chính là các bước đi chủ động để chuẩn bị cho quá trình hội nhập; trong đó có việc thực hiện Hiệp định EVFTA.

Đặc biệt, thị trường EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của ta sẽ được thị trường EU chấp nhận.

Hơn nữa, EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Hay các đòi hỏi về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới.

Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam phải vượt qua được các thách thức, khai thác được các cơ hội do Hiệp định EVFTA đem lại.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong quá trình đàm phán, Đoàn đàm phán đã tích cực cung cấp đầy đủ thông tin cũng như tham vấn ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp với mong muốn kết quả đàm phán phải đáp ứng được tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp.

Trong quá trình này, một số hiệp hội như dệt may, da giày, thủy sản và nhiều doanh nghiệp khác đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt.

Tuy nhiên, để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực.

Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý, để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU.

Việt Nam và EU sẽ sớm hoàn tất quy trình phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA và EVIPA - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström, Bộ trưởng Phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp của Romania Stefan-Radu Oprea, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Đại Thắng dự họp báo. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Chính phủ sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận cơ hội. Do đó, doanh nghiệp cần tập trung vào vấn đề lớn, chủ động nghiên cứu toàn diện các nội dung của Hiệp định, đặc biệt chương trình hành động của Chính phủ.

Bà Cecilia Malmstrom - Cao uỷ thương mại EU cho rằng, để doanh nghiệp có thể tận dụng được cơ hội mà EVFTA mang lại, cần phải giảm quan liêu, hành chính, tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội.

Theo ông Stefan Radu Oprea - Bộ trưởng Môi trường, Kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Rumani, nhằm khai thác cơ hội thì môi trường kinh doanh rất quan trọng và doanh nghiệp Việt Nam-EU cần phải nỗ lực rất nhiều.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi EVFTA ký kết và thực thi sẽ tạo đà để xuất khẩu và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các bên tăng trưởng mạnh.

Bên cạnh việc thực thi EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực và ký kết một số Hiệp định khác trong tương lai như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng mang lại những lợi thế nhất định, tạo cơ sở cho Việt Nam tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, EVFTA là Hiệp định ở mức độ cao, hứa hẹn mang lại đóng góp to lớn cho xuất nhập khẩu, tăng trưởng thương mại có thể lên tới 20% trong những năm đầu tiên.

Không những thế, Hiệp định này còn là cơ sở quan trọng để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực thi các cam kết hội nhập.

Uyên Hương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.