Việt Nam trúng thầu bán 60.000 tấn gạo cho Philippines
Theo nguồn tin của Tiền Phong, Philippines hôm 8/6, đã mở phiên đấu thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo. Tham gia đấu thầu có 4 quốc gia gồm Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.
Kết quả có 3 nước trúng thầu bán gạo cho Philippines với số lượng 189.000/300.000 tấn. Trong đó, Myanmar trúng thầu bán 33.000 tấn, giao ở cảng Manila, với mức giá 489,3 USD/tấn.
Ấn Độ trúng thầu số lượng nhiều nhất với 96.000 tấn, bao gồm 42.000 tấn giao ở cảng Cebu (giá 484,7 USD/tấn); 7.500 tấn giao ở cảng Tacloban (485,7 USD/tấn); 24.000 tấn giao ở cảng Zamboanga (484,7 USD/tấn) và 22.500 tấn giao ở cảng Davao (485,7 USD/tấn).
Còn Việt Nam trúng thầu bán 60.000 tấn với giá 497,3 USD/tấn, trong đó có 45.000 tấn giao ở cảng Manila và 15.000 tấn giao ở cảng Davao.
Riêng Thái Lan đã bị loại do đưa mức giá đấu thầu vượt quá mức ngân sách do phía Philippines đưa ra.
Theo một nguồn tin của PV, đại diện Việt Nam tham gia phiên đấu thầu vừa rồi là Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1). Còn nhà nhập khẩu đại diện phía Philippines là Công ty Philippine International Trading Corporation. Trong thời gian tới, Philippines sẽ mở thầu 111.000 tấn gạo còn thiếu.
Được biết, Philippines nhập khẩu 300.000 tấn gạo lần này để bổ sung dự trữ cho tiêu dùng trong nước, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đã có những tác động nhất định đến quốc gia này.
Việc nước này nhập khẩu theo cơ chế G2G được cho là do có nhiều doanh nghiệp vẫn chưa giao hàng xong cho các hợp đồng tư nhân đã ký kết trước đó với đối tác phía Philippines, trong khi hợp đồng G2G sẽ có khối lượng và thời gian giao hàng nhanh hơn.
Theo tìm hiểu của PV, trước năm 2019, Philippines thường thực hiện nhập khẩu gạo theo cơ chế hạn ngạch. Cụ thể, ngoài việc phân bổ hạn ngạch hàng năm khoảng 850.000 tấn cho khu vực tư nhân, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines sẽ cân đối cung/cầu trong nước để thực hiện mở thầu mua gạo cấp chính phủ (G2G) với các nước (chủ yếu là Việt Nam và Thái Lan).
Ngày 15/2/2019, Tổng thống Philippines ký ban hành Đạo luật số về chuyển đổi cơ chế nhập khẩu gạo từ áp dụng hạn ngạch sang thuế hóa. Đạo luật này xóa bỏ quy định về hạn ngạch nhập khẩu đối với mặt hàng gạo và thay vào đó áp dụng thuế nhập khẩu 35% từ các quốc gia khối ASEAN…