Việt Nam sẽ trở thành HUB về công nghiệp chế tạo thu hút bộ 3 ông lớn smartphone thế giới
Mới đây, Tập đoàn Foxconn đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc thuê lại 50,5 ha đất tại khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, tỉnh Bắc Giang do Công ty KCN Sài Gòn – Bắc Giang làm chủ đầu tư. Foxconn dự kiến sẽ đầu tư vào dự án mới này với tổng mức đầu tư khoảng hơn 300 triệu USD, sử dụng hơn 30.000 lao động địa phương.
Foxconn hiện là một trong những tập đoàn quy mô lớn nhất thế giới trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính. Đây cũng là đối tác chuỗi cung ứng chủ chốt của Apple. Như vậy, chỉ một thời gian ngắn nữa, những chiếc MacBook và đồng hồ thông minh Apple Watch sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
Bình luận về sự kiện này, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng hiện tượng một số tập đoàn công nghệ lớn trong ngành điện tử, bao gồm cả Foxconn, Apple, Xiaomi, Samsung,...đã và đang có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam không phải hoàn toàn mới nhưng ngày càng cho thấy sức hút của chúng ta.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, người ta đã nhìn nhận Việt Nam như một HUB (trung tâm) của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đến Việt Nam là đến được với ngành công nghiệp điện tử thế giới hay muốn đến với thế giới thì cần cân nhắc đến Việt Nam. Bởi ở nước ta quy tụ đầy đủ các ông lớn trong ngành công nghiệp sản xuất smarthphone như: Samsung, Xiaomi hay các công ty sản xuất, lắp ráp linh kiện cho Apple.
Cùng với đó là sự chuyển dịch từ các nước khác, đặc biệt là từ Trung Quốc với chiến lược đầu tư Trung Quốc + 1 và nhiều yếu tố như đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại và những biến động địa chính trị, địa kinh tế trên toàn cầu khiến Việt Nam nổi lên như một điểm đến về đầu tư FDI.
Theo TS. Võ Trí Thành, Việt Nam đạt được thành tựu trên là do hai nguyên nhân: Bức tranh kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tốt và thứ hai là sự quyết tâm, nỗ lực cải cách của cả hệ thống chính trị đặc biệt là cải cách thể chế để hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cùng với việc mở cửa thực sự qua rất nhiều hiệp định thương mại tự do.
Như vậy, đứng về mặt chính sách, Việt Nam vẫn đã, đang và sẽ là một HUB trong thu hút FDI về công nghiệp chế biến, chế tạo.
Vì sao Việt Nam lại hút FDI?
Không phải tự nhiên mà các FDI có chất lượng cao ngày càng đến Việt Nam. Bên cạnh các lợi thế từ trước như kinh tế - chính trị ổn định, nỗ lực cải cách thể chế còn có 2 điểm làm nên lợi thế của Việt Nam, TS. Võ Trí Thành cho hay.
"Nếu nói về Trung Quốc + 1 thì bên cạnh Việt Nam có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, như vậy, không chỉ cần hoàn thiện mình mà còn phải cạnh tranh với các quốc gia khác. Như vậy, nếu muốn thu hút các FDI có chất lượng thì bản thân của chúng ta phải đặt đầu bài cho các nhà đầu tư về hiệu quả, tính lan toả dự án", ông Thành nói.
Dự án không chỉ giải quyết về lao động, lợi thế xuất khẩu bằng ưu đãi thuế từ các FTAs, mà còn phải là tính lan toả, công nghệ, thay đổi kỹ năng quản trị. Từ đó, chọn lọc ra các dự án mang lại hiệu quả cũng như có khả năng lan toả tới các doanh nghiệp trong nước về công nghệ, kỹ năng, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ.
Ngược lại, các FDI chất lượng cao cũng đòi hỏi Việt Nam phải cam kết về phát triển bền vững, đầu vào phải “xanh”, năng lượng xanh. Đây là điểm rất quan trọng bên cạnh môi trường số cho doanh nghiệp phải thật hiện đại, đồng bộ.
Việt Nam đang "tiếp tục toả sáng"
“Tiếp tục tỏa sáng” cũng là cụm từ mà chuyên gia của Ngân hàng HSBC ưu ái khi nói về những thành tựu của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Thậm chí, trong một báo cáo được công bố vào cuối tháng 6/2022, HSBC cho biết, Việt Nam đã chuyển đổi thành công thành trung tâm sản xuất mới nổi của toàn cầu. Và rằng, Việt Nam “đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên” trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng…
Trước những diễn biến phức tạp trên thế giới, đối tác của Apple đã và đang dự kiến chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan sang Việt Nam mà một trong số đó là Foxconn vừa thông báo về khoản đầu tư trị giá 300 triệu USD.
Tại diễn đàn khu công nghiệp Việt Nam 2022 diễn ra ngày 12/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án có vốn FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 340 tỷ USD, trong đó, tổng vốn đầu tư FDI là khoảng 230 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.
"Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước", Thứ trưởng Phương cho hay.