|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam sẽ có chi phí lao động nước ngoài đắt nhất khu vực?

07:12 | 05/12/2018
Chia sẻ
Nếu áp dụng đầy đủ quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có chi phí lao động cho người nước ngoài đắt nhất trong khu vực.
viet nam se co chi phi lao dong nuoc ngoai dat nhat khu vuc
Tuyến metro đang xây dựng ở TPHCM, nơi có nhiều chuyên gia Nhật Bản đang làm việc. Ảnh: Thành Hoa.

Lộ trình tránh gây “sốc"

Nghị định số 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về Bảo hiểm xã hội bắt buộc dành cho người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam (Nghị định 143) đã được ban hành vào ngày 15-10-2018 và có hiệu lực kể từ ngày 1-12-2018.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 được tổ chức ngày 4-12, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho hay, việc áp dụng Nghị định 143 khiến các nhà đầu tư lo ngại chi phí lao động tăng nhanh, làm giảm sức thu hút của Việt Nam như là một điểm đến đầu tư.

“Chi phí gia tăng này có thể gây cản trở các nhà tuyển dụng sử dụng lao động nước ngoài và ngăn nhân tài từ nhiều quốc gia, những người có thể đào tạo và hỗ trợ phát triển lực lượng lao động Việt Nam, đến làm việc”, ông nói.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng cho người lao động là công dân nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Nghị định loại trừ một số nhóm lao động nước ngoài không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp và người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu.

Nghị định 143 quy định người lao động là công dân nước ngoài phải tham gia tất cả năm chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện đang áp dụng với người lao động là công dân Việt Nam. Những chế độ này bao gồm: chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí, và chế độ tử tuất.

Tuy nhiên, thời điểm áp dụng năm chế độ đối với người lao động là công dân nước ngoài sẽ khác nhau. Đối với các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản; tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp sẽ được áp dụng kể từ ngày 1-12-2018. Các chế độ dài hạn như hưu trí và tử tuất sẽ được áp dụng khoảng 3 năm sau, tức ngày 1-1-2022.

Ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tại buổi họp báo diễn ra tháng 4-2018 cho hay, Nghị định được thiết kế đảm bảo lộ trình hợp lý cho doanh nghiệp tiếp cận dần với các chế độ bảo hiểm xã hội tại Việt Nam. Trước mắt là ưu tiên chế độ ngắn hạn rồi từng bước áp dụng các chế độ dài hạn như hưu trí và tử tuất.

Bên cạnh đó, việc giãn thời gian đóng các chế độ bảo hiểm xã hội dài hạn còn nhằm mục đích tới thời điểm 2022, Việt Nam sớm hoàn tất hiệp định tránh đóng bảo hiểm xã hội hai lần với các nước.

Chi phí lao động đắt nhất khu vực?

Theo quy định, mức đóng đối với người sử dụng lao động và người lao động là công dân nước ngoài cũng sẽ giống như mức đóng áp dụng với người lao động là công dân Việt Nam. Theo đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 17,5%, dựa trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Mức đóng cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.

Dù cơ quan quản lý cho rằng, việc thiết kế nghị định trên nhằm giúp doanh nghiệp thích nghi dần với quy định mới. Cạnh đó, nghị định là cần thiết nhằm tạo sân chơi bình đẳng giữa người lao động trong nước và lao động nước ngoài. Song, theo các doanh nghiệp, chi phí “tuân thủ" nghị định này là không nhỏ.

Theo tính toán của Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại, thuộc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, khi áp dụng đầy đủ cả năm chế độ, tức đến đầu năm 2020, doanh nghiệp phải đóng hàng tháng tổng cộng là 362,6 đô la Mỹ đối với một người lao động có mức lương 4.000 đô la, tăng gần 10% so với khi chưa có nghị định.

“Chi phí này trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp”, theo Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại. Khi đó, tổng chi phí phải đóng đối với người lao động nước ngoài ở Việt Nam sẽ thuộc nhóm cao nhất trong khu vực khi tính đến số lượng các khoản phải đóng, mức đóng cao và phạm vi áp dụng rộng khi không chỉ tính đối với tiền lương mà còn các loại phúc lợi khác.

Thêm vào đó, Nghị định 143 quy định Bộ LĐTB&XH có trách nhiệm đàm phán và ký kết các Hiệp định song phương và đa phương về bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, hiện danh sách những hiệp định này hay sự ảnh hưởng của các hiệp định này tới quy định hiện hành về bảo hiểm xã hội cho lao động nước ngoài vẫn chưa được cung cấp.

“Do đó, chúng tôi cho rằng những vấn đề này cũng nên sớm được làm rõ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam”, theo Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại.

Theo vị đồng Chủ tịch Eurocham, không nên áp dụng chế độ bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho lao động nước ngoài và ông cũng đề xuất đưa ra các thủ tục đơn giản giúp nhân viên nước ngoài có thể yêu cầu trợ cấp một lần khi hồi hương từ Việt Nam.

Xem thêm

Vũ Dung

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.