Việt Nam sẵn sàng đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam (giữa, phải, hàng hai) tại phiên họp bầu chọn Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Từ tháng 1/2020, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1/2020 và tháng 4/2021.
Với tinh thần trách nhiệm cao, Việt Nam đã triển khai nhiều công việc để sẵn sàng đảm nhận tốt vai trò này.
Uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế
Được thành lập ngày 24/10/1945 với mục đích thiết lập, duy trì hòa bình và công bằng trên toàn cầu, đến nay, Liên hợp quốc đã trở thành một tổ chức quốc tế lớn nhất trên thế giới với 193 thành viên.
Theo Hiến chương Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an là một trong sáu cơ quan chính của Liên hợp quốc; là cơ quan có trách nhiệm hàng đầu của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế; có ảnh hưởng ngày càng lớn và sâu rộng đối với nhiều lĩnh vực an ninh phi truyền thống khác của đời sống quốc tế như: biến đổi khí hậu, nước, nhân đạo, nhân quyền...
Từ khi gia nhập Liên hợp quốc năm 1977, Việt Nam đã và đang là một thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực hoạt động của Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2008-2009 khi Việt Nam lần đầu đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi tiên phong trong thúc đẩy hòa bình, tiến bộ, hợp tác và phát triển trên thế giới. Đặc biệt, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là điểm sáng thể hiện tinh thần đối tác có trách nhiệm của Việt Nam.
Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử hàng chục cán bộ, chiến sỹ tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Trong điều kiện rất khó khăn, khắc nghiệt và các tiêu chuẩn, quy trình nghiêm ngặt của Liên hợp quốc, các cán bộ, chiến sỹ đã nỗ lực thích nghi và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bên cạnh các cá nhân, vừa qua, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 - lực lượng gìn giữ hòa bình cấp đơn vị đầu tiên của Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Nam Sudan. Mới đây, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 cũng đã lên đường sang Nam Sudan nhận nhiệm vụ.
Những đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc đã được quốc tế đánh giá cao. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan của Liên hợp quốc như: Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009); Hội đồng Kinh tế-Xã hội (1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017-2021)...
Đặc biệt, tháng 6/2019 vừa qua, Việt Nam vinh dự trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu thuận. Điều này thể hiện sự tín nhiệm, ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp của Việt Nam trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh quốc tế.
Đó cũng là sự nhìn nhận và tôn trọng những thành tựu Việt Nam đạt được trong quá trình đổi mới như hoàn thiện nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, các nhóm dân cư và về hội nhập quốc tế.
Ngay sau khi Việt Nam trúng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác và đồng thuận trong Hội đồng Bảo an nhằm cùng tìm kiếm các giải pháp lâu dài cho các vấn đề an ninh và hòa bình thế giới.
Việt Nam sẽ tham vấn với các thành viên khác của Liên hợp quốc để hiểu rõ lợi ích và quan điểm của nhau cũng như chia sẻ sáng kiến và ý tưởng nhằm tìm ra các điểm tương đồng, thu hẹp bất đồng và tìm giải pháp cho các vấn đề ảnh hưởng tới tất cả các bên.
Trong nhiệm kỳ 2 năm, Việt Nam sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực trụ cột, bao gồm: tăng cường phối hợp giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực trong việc phòng ngừa xung đột; tái thiết và xây dựng hòa bình sau xung đột; và tăng cường bảo vệ dân thường cũng như thúc đẩy các công việc của Hội đồng Bảo an liên quan tới phụ nữ, hòa bình và an ninh, và trẻ em và các cuộc xung đột vũ trang.
Sẵn sàng cho nhiệm vụ mới
Phát biểu tại buổi họp báo quốc tế về việc Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 (ngày 12/12/2019), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1/2020 và tháng 4/2021.
Thông thường, các nước phải có công tác chuẩn bị ít nhất một năm trong khi Việt Nam chỉ có 6 tháng chuẩn bị. Bên cạnh đó, năm 2020, Việt Nam cũng đảm trách cương vị Chủ tịch ASEAN. Đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.
Ý thức được trách nhiệm to lớn, các bộ, ban, ngành Việt Nam đã triển khai nhiều công việc, trong đó rà soát và xây dựng hồ sơ về từng vấn đề trong chương trình nghị sự; xây dựng cơ chế phối hợp, tham vấn liên ngành trong việc xử lý công việc của Việt Nam trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Về các ưu tiên thảo luận trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 1/2020, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết trong chương trình nghị sự, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an, trong đó có cuộc thảo luận mở cấp bộ trưởng với chủ đề kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc, về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như vai trò của tổ chức khu vực trong hợp tác với Hội đồng Bảo an trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Việt Nam cũng sẽ trao đổi về các vấn đề liên quan đến quỹ của Iraq, một số vấn đề liên quan đến khu vực Trung Đông, hoạt động của Lebanon. Theo đó, sẽ trao đổi về vấn đề hậu xung đột (gồm giải quyết bom mìn), vấn đề nhân đạo, phụ nữ, trẻ em...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhận định tham gia Hội đồng Bảo an, Việt Nam có cơ hội quan trọng để thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước - thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và Việt Nam mong muốn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Đây là nhiệm vụ của ngành đối ngoại và cũng là trách nhiệm Việt Nam đóng góp vào thúc đẩy hợp tác đa phương để góp phần tăng cường hiệu quả phương thức giải quyết các vấn đề quốc tế, trong đó Việt Nam nỗ lực và tích cực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, trung gian hòa giải trên những vấn đề phù hợp với lợi ích, trong khả năng và điều kiện của mình.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam mong muốn đóng góp vào thúc đẩy việc phát huy vai trò hàng đầu của Hội đồng là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cụ thể là ngăn ngừa xung đột, giúp giải quyết các vấn đề khủng hoảng; đồng thời thúc đẩy một số vấn đề mà các nước, nhóm nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương quan tâm như: bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, vấn đề tái thiết sau xung đột, phụ nữ và hòa bình, an ninh...
Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chụp ảnh chung trước khi lên máy bay sang Phái bộ Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Cùng với đó, Việt Nam mong muốn qua dịp này thúc đẩy được quan hệ đối tác với các quốc gia trong Hội đồng Bảo an và các quốc gia khác.
Bên cạnh thuận lợi, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết Việt Nam cũng sẽ đối mặt với những khó khăn. Đó là khó khăn trong quan hệ của các nước lớn, điều đó tác động rất sâu sắc đến hoạt động của Hội đồng Bảo an.
Các đánh giá cho thấy kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, đây là giai đoạn có sự chia rẽ, khó khăn ở mức cao nhất giữa các nước lớn thường trực tại Hội đồng Bảo an.
Thêm vào đó, chủ nghĩa đa phương gặp thách thức chưa từng có, trong đó có vấn đề đáng lo ngại là xu hướng muốn đe dọa, muốn sử dụng vũ lực tăng lên.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế lớn là tích cực và xây dựng, Việt Nam không có chủ trương phát triển vũ khí hàng loạt; Việt Nam chống khủng bố dưới mọi hình thức và mong muốn giải quyết các căng thẳng, bất đồng quốc tế bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền các quốc gia, quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc.