|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam quan tâm đến tác động xuyên biên giới của đập thủy điện sông Mekong

19:45 | 23/05/2024
Chia sẻ
Là quốc gia hạ nguồn, Việt Nam rất quan tâm đến tác động xuyên biên giới của các đập thủy điện trên sông, theo Bộ Ngoại giao.

"Mekong là dòng sông chung xuyên biên giới và chảy qua nhiều quốc gia. Là quốc gia hạ nguồn, Việt Nam rất quan tâm đến tác động xuyên biên giới và khả năng tích nước của các công trình thủy điện trên dòng Mekong", phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay.

Ông Việt đưa ra phát biểu khi được đề nghị bình luận về thông tin một số chuyên gia cho rằng 14 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đang gây ra nguy cơ cạn kiệt dòng chảy và làm giảm lượng trầm tích chảy đến vùng hạ nguồn, góp phần làm tình trạng hạn mặn và sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trầm trọng.

Đập thuỷ điện Nọa Trác Độ của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong. Ảnh: bqaz.yn.gov.cn.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định việc phát triển và vận hành các công trình thủy điện trên sông Mekong cần bảo đảm không gây tác động tiêu cực, bao gồm tác động xuyên biên giới đến môi trường và phát triển kinh tế, đời sống xã hội của các nước trên lưu vực, nhất là những quốc gia hạ nguồn, và phải phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế.

"Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước liên quan tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước, vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong khu vực", ông Việt nói.

Sông Mekong trải dài 4.350 km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và đổ ra Biển Đông, là huyết mạch nuôi sống hàng chục triệu người khắp Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam sống bằng nghề nông và đánh bắt thủy sản.

Ảnh vệ tinh chụp đập thủy điện Xayaburi trên sông Mekong hồi năm 2020. Ảnh: Reuters

Các nước thượng nguồn sông Mekong đã xây dựng nhiều con đập, trong đó có những đập lớn cao hơn 100 mét, nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra gần như toàn bộ trầm tích của sông sẽ bị giữ lại ở thượng nguồn nếu tất cả dự án đập ở Mekong được phát triển, ảnh hưởng tới việc trồng lúa, nguồn lương thực chính của hàng chục triệu người trong khu vực.

Ngoài ra, các đập thủy điện còn ngăn chặn loài cá di cư và làm thay đổi dòng chảy. Ủy hội sông Mekong (MRC) ước tính nghề cá trên sông Mekong sẽ chịu ảnh hưởng tới gần 23 tỷ USD vào năm 2030. Thiệt hại từ mất rừng, đầm lầy và rừng ngập mặn sẽ lên tới 145 tỷ USD.

Vũ Anh