Việt Nam là thị trường hàng đầu trong việc cung ứng và sản xuất chi phí thấp
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển từ quốc gia có thu nhập trung bình thấp trở thành thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam có thể trở thành thành viên của nhóm các nền kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới (OECD).
So sánh với các nước ASEAN khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trung bình 6-7%/năm trong vòng 36 năm liên tiếp. Với tốc độ này, vị thế kinh tế Việt Nam sẽ được thay đổi từng bước
Chia sẻ tại buổi khai mạc Triển lãm quốc tế về sản xuất và gia công cơ khí - METALEX Vietnam 2022 diễn ra sáng 6/10, ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc Công ty RX Tradex Việt Nam, cho biết so với các thị trường đang phát triển khác trong khu vực, Việt Nam đang nổi lên như là một thị trường hàng đầu trong việc cung ứng và sản xuất chi phí thấp, với đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
"Sự phát triển của ngành công nghiệp máy móc tại Việt Nam là phù hợp với sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó nhiều lĩnh vực đã đạt được những bước phát triển nổi bật trong thập kỷ gần đây", ông Tài cho hay.
Cũng theo Tổng giám đốc Công ty RX Tradex Việt Nam, các chính sách vĩ mô ổn định và thông thoáng của Chính phủ, cungf các Hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết tham gia, sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế với dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục,... đang tạo ra cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Sản xuất gia công cơ khí, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là thành tố nền tảng cho sản xuất hàng hóa. Yếu tố này trở nên thiết yếu với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, vốn lấy điểm tựa là sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước", ông Vũ Trọng Tài nói.
Cùng chung quan điểm vị thế của Viêt Nam ngày càng được nâng cao trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP HCM (JETRO) hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều tiến triển trong thời gian qua.
Thống kê của JETRO cho thấy có 55,3% trong tổng số doanh nghiệp đã trả lời “sẽ mở rộng” phát triển kinh doanh tại Việt Nam trong 1 đến 2 năm tới, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Nếu xét trên toàn khu vực châu Á thì con số này chỉ đứng sau Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan. Ngược lại, có 2,2% doanh nghiệp trả lời là sẽ “thu hẹp” kinh doanh tại Việt Nam và đây là một con số nhỏ nhất khu vực Đông Nam Á, nhỏ thứ 2 khu vực châu Á sau Pakistan.
“Từ năm 2021, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã thực hiện chính sách viện trợ như việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại nước ngoài. Qua 5 đợt tuyển chọn dự án viện trợ, nếu chia số lượng dự án theo quốc gia thì đã có 103 dự án được chọn, Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất với 41 dự án. Điều này đã thể hiện được mức quan tâm đến Việt Nam cao thế nào”, ông Matsumoto chia sẻ.
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức trong quá trình hội nhập của doanh nghiệp Việt như quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý còn hạn chế, các liên kêt chuỗi lỏng lẻo dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu.
Để vượt qua thách thức, ông Vũ Trọng Tài cho rằng, các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý cũng như kỹ năng của bộ máy, liên kết chặt chẽ và sâu rộng hơn nhằm cạnh tranh sòng phẳng.
Còn theo ông Matsumoto, để tận dụng cơ hội đầu tư và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của các tập đoàn quốc tế, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân lực.
“Ở đây, mảng xây dựng năng lực chính là điều tôi muốn nói tới. Một thành phố lớn như TP HCM có một lượng nhân sự rất tốt, đội ngũ về lao động, chất lượng cao rất tốt. Tuy nhiên, tiềm năng đó chưa được phát triển kịp thời, nhiều cơ sở dữ liệu chưa đủ. Nói như thế có nghĩa là doanh nghiệp Nhật Bản cần phía doanh nghiệp Việt Nam cung cấp thông tin nhiều hơn, tốt hơn”, ông Matsumoto cho hay.
Theo đó, tại Metalex Việt Nam 2022, các nhà gia công cơ khí của Việt Nam sẽ có điều kiện gặp gỡ các doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ để tìm hiểu cơ hội hợp tác, sản xuất hàng cơ khí xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng.
Trong triển lãm năm nay, các nhà mua hàng Nhật Bản đã chọn cách thức trưng bày những sản phẩm, linh kiện sản xuất muốn mua thay cho đi tìm sản phẩm mà các nhà cung ứng Việt Nam đem đến triển lãm.
"Cách thức triển lãm này từng được tổ chức ở một số nước và đem lại tỷ lệ kết nối thành công khá cao", ông Matsumoto Nobuyuki nói.
Còn theo bà Cao Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM, xuất phát từ nhu cầu thực tế, các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi theo hướng công nghệ cao, giá tăng giá trị sản phẩm, giảm tình trạng thiếu lao động phổ thông, đáp ứng nhu cầu tăng cao của các nhà sản xuất quốc tế tại Việt Nam và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/